Thị trường

Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Các quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu đang tăng tần suất kiểm soát chất lượng nhiều mặt hàng như: thanh long, ớt, đậu bắp, sầu riêng từ Việt Nam.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá / Giá cà phê lập kỷ lục mới

Các thị trường tăng tần suất kiểm soát nông sản

Thông tin đáng chú ý đối với doanh nghiệp và nông dân là hiện các thị trường lớn của nông sản Việt Nam đang tăng tần suất kiểm soát nhằm siết chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, các quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu đang tăng tần suất kiểm soát chất lượng nhiều mặt hàng như: thanh long, ớt, đậu bắp, sầu riêng từ Việt Nam.

Lý do, số lô hàng bị cảnh báo của nước ta tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc đảm bảo các tiêu chuẩn như: truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều lô hàng. Đặc biệt, các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, thân thiện môi trường, giảm phát thải cũng được các nước nhập khẩu siết chặt. Việc bị dừng, hủy các đơn hàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu sản phẩm nông sản của nước ta tiếp tục vi phạm và bị cảnh báo.

Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Một khi bị cảnh báo hay tạm dừng nhập khẩu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tới uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam. Đứng trước các rào cản kỹ thuật, bà con nông dân cùng với các doanh nghiệp đang tích cực phối hợp để sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường đặt ra.

Hơn 10 công bưởi của ông Lợi sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Ngoài việc ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học, ông còn tăng cường liên kết, làm theo yêu cầu của các nhà xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Nông dân tỉnh An Giang chia sẻ: "Ăn trái bưởi phải ngọt, khi người ta ăn trái bưởi của mình là người ta phải nhớ. Bưởi phải có tiếng, vùng trồng của mình phải đạt".

Ông Đặng Thanh Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: "Phải được tập huấn về yêu cầu kỹ thuật đối với mã số vùng trồng. Yêu cầu về an toàn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, sau khi đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, chúng ta cũng có trách nhiệm duy trì mã số này sau khi được cấp".

Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu - Ảnh 1.

Bà con nông dân cùng với các doanh nghiệp đang tích cực phối hợp để sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng

Để khuyến khích bà con nông dân sản xuất sạch, có ghi chép, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện các HTX và doanh nghiệp có mức giá bao tiêu cao hơn so với bên ngoài mô hình.

Đây là sản phẩm bưởi đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi Châu Âu. Nhờ sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đặc biệt có mã số vùng trồng, nên sản phẩm bưởi tại đây có giá bán cao gấp 3-4 lần so với sản phẩm bưởi thông thường.

Ông Nguyễn Tiến Điệp - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Uyên Điệp Việt Nam tâm sự: "So với giá bình thường, bà con liên kết với mình thì mình sẽ cộng trừ giá cao hơn giá bên ngoài là 2.000 – 3.000 đồng/kg, thậm chí 5.000 -10.000 đồng/kg nếu như sản phẩm đó bà con cam kết thực hiện tốt theo quy định của mình đưa ra".

Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu ha diện tích cây ăn trái, mỗi năm cho sản lượng hơn 13 triệu tấn. Việc xây dựng những vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng là giải pháp quan trọng giúp nông sản nước ta dễ chinh phục các thị trường khó tính.

Nâng cao giá trị nông sản từ chế biến sâu

 

Xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi, chuyển từ ăn no sang ăn ngon sạch đòi hỏi hàng hóa nông sản Việt Nam phải đa dạng hơn. Ngoài việc có nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng thì còn phải đẩy mạnh chế biến sâu làm ra được nhiều sản phẩm tiện ích thay vì chỉ xuất khẩu hàng tươi và thô.

Đây là lô mít sấy chuẩn bị xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á. Từ ngày đầu tư công nghệ chế biến từ mít tươi sang các mặt hàng tinh chế, nhà máy này nhận được khá nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Phạm Quốc Tùng - Phó Giám đốc Công ty Nam Huy Đồng Tháp cho biết: "Có những đơn hàng của Mỹ, các đơn hàng từ Thái Lan, Malaysia. Dự kiến đơn hàng từ nay đến cuối năm khoảng 3 container/tháng.

Chỉ 200 gram mít sấy có giá bán hơn 55.000 đồng, tức là cao khoảng 10 lần so với mít tươi. Điều đặc biệt là nhờ chế biến sâu, sản phẩm mít còn chinh phục các thị trường khó tính.

Việt Nam là nước nhiệt đới, sản xuất theo mùa vụ. Việc chế biến sâu không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm, tạo sức hút cho người tiêu dùng, mà nó còn chủ động giải quyết bài toán nguyên liệu cho nông dân.

 

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang chia sẻ: "Công nghệ chế biến sâu giúp bà con giải quyết sản lượng lớn tại thời điểm mùa vụ. Nếu như trong trường hợp chúng ta tiêu thụ tươi thì có thể sẽ không tiêu thụ hết".

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định: "Vừa qua, chúng tôi đã có hai lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sắp tới đây tiếp tục mở rộng hơn nữa và mời gọi các doanh nghiệp để tham gia việc kết nối, liên kết sản xuất. Trong đó quan tâm hơn nhiều trong vấn đề chế biến sâu".

Chỉ riêng mặt hàng rau quả, mỗi năm nước ta sản xuất đạt khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng, sản phẩm qua chế biến sâu chưa tới 20%. Nếu làm tốt hơn nữa khâu chế biến, có nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng và tiện ích thì kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này sẽ sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm