Bất chấp COVID-19, bán lẻ ngoại vẫn mở rộng 'chân rết'
Xuất khẩu phục hồi và tăng nhẹ, đạt hơn 147 tỷ USD / TP.HCM: Tìm cách tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp trước cú sốc Covid-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, nhiều cửa hàng, thương hiệu bán lẻ Việt Nam buộc phải thu hẹp sản xuất nhưng cuối tháng 7 vừa qua, thương hiệu bán lẻ Muji (Nhật Bản) đã khai trương cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam với hàng nghìn mặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm chăm sóc da và quần áo. Nhiều khách hàng là người trẻ tuổi đã đến sớm xếp hàng dài để được vào tham quan mua sắm.
'Thỏi nam châm' hấp dẫn vốn ngoại
Không riêng Muji cho khai trương hoặc thí điểm mở kinh doanh vào thời điểm dịch bệnh. Trước đó, Uniqlo - thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản cũng là cái tên được nhắc đến khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội đúng vào thời điểm cao điểm của dịch COVID-19 vào tháng 3/2020.
Điều đáng nói, chỉ trong vòng 4 tháng qua, thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản đã liên tiếp nâng số cửa hàng ở thị trường Việt Nam lên con số 4, và chắc chắn số lượng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thống kê của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, trong 7 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực bán buôn bán lẻ thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn ngoại - đứng thứ 4 trong 18 ngành lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 7 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng riêng tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng vẫn chiếm 79,2%, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, nhìn nhận điều này cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của thị trường Việt Nam. Ngành phân phối là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Đặc biệt, các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng. Nếu năm 2010, cả nước mới có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2019 đã có 8.500 chợ, 1.085 siêu thị và 240 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đánh giá, trên thị trường bán lẻ hiện đại hiện nay, các doanh nghiệp nội và ngoại đang cùng nỗ lực thể hiện năng lực đa dạng theo quy mô và loại hình phát triển. Tuy nhiên xét về quy mô, các doanh nghiệp ngoại thường có xu hướng tổ chức với quy mô lớn (AEON, Big C, Mega Market...), đa dạng về chủng loại hàng hóa dẫn đến thu hút nhiều người mua và doanh thu lớn tại một điểm bán.
Dự báo trong thời gian tới, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam đi cùng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. Đặc biệt, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đang hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo quy mô thị trường gần 100 triệu dân, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%....
Bán lẻ nội tìm hướng đi mới
Đối mặt sức ép cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ phải làm gì để không bị "nuốt chửng"? Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội, cho biết dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống siêu thị này đã triển khai nhiều kịch bản để đem hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.
"Chúng tôi triển khai các cửa hàng nhỏ, tiện lợi len lỏi đến các khu dân cư để phục vụ tận tay cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu người dân trong dịch bệnh", bà Dung nói.
Đặc biệt, đại diện Saigon Co.op cho rằng khó khăn là động lực cho nhà phân phối cải tiến, tìm hướng phát triển mới. Saigon Co.op thực hiện bán hàng online để người tiêu dùng không phải đến siêu thị, ngồi ở nhà gọi hotline. Siêu thị sẽ có đội ngũ giao hàng chuyển hàng hóa đến cho khách một cách nhanh chóng, khách cũng được hưởng chương trình khuyến mãi như đi siêu thị. Đây chính là cách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cạnh tranh giành thị phần trong "miếng bánh" béo bở nhưng đầy thách thức này.
Trong khi đó, bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Vincommerce (quản lý chuỗi siêu thị Vinmart), nhìn nhận lợi thế của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là có nguồn hàng Việt phong phú, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt. Vì vậy, siêu thị này luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ hàng Việt tiếp cận người Việt. Bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, siêu thị đã có chính sách khuyến mãi, trợ giá các mặt hàng nông sản để hỗ trợ người dùng đối phó với COVID-19.
Nói đến bán lẻ không thể không nhắc tới các doanh nghiệp thương mại điện tử. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO của Tiki, đơn vị sở hữu nền tảng thương mại điện tử Tiki, kiến nghị Nhà nước và Chính phủ có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, thương mại điện tử, bán lẻ... dễ dàng tiếp cận với các khoản vay ưu đãi và nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong dài hạn, các công ty công nghệ, công ty bán lẻ mong muốn được tận dụng nguồn vốn đại chúng để đẩy nhanh quá trình huy động vốn.
"Chúng tôi mong muốn Nhà nước và Chính phủ sẽ có những chính sách nới lỏng điều kiện lên sàn đối với các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ có thể thực hiện thí điểm dỡ bỏ điều kiện cần chứng minh lợi nhuận trong 3 năm để được IPO với các doanh nghiệp công nghệ có nguồn vốn mạnh, năng lực vận hành vững vàng và uy tín trên thị trường", ông Sơn nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, cần liên kết lại để làm ăn, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tự giác hợp tác liên kết để sớm hình thành một số tập đoàn sản xuất và bán lẻ mạnh, đủ sức dẫn dắt thị trường nội địa hiện nay và trong tương lai. Người Việt phải làm chủ được hàng Việt, làm chủ được hệ thống phân phối trên "sân nhà", đó là mệnh lệnh quốc gia rất cần thiết trong lúc này và cả mãi mãi về sau.
Như vậy, trước sức ép của hội nhập kinh tế phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường nội địa theo các cam kết của các FTA như CPTPP và EVFTA dẫn đến sự thâm nhập mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, đang đặt ra những thách thức lớn không chỉ với các doanh nghiệp mà đòi hỏi chính các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quyết định kịp thời để phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thị trường trong nước nói chung trong bối cảnh mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Trước sức ép cạnh tranh lớn, doanh nghiệp bán lẻ Việt phải chứng minh được thế mạnh của mình.