Bộ Công thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2019
CPTPP và EVFTA - cú huých cho ngành da giày Việt Nam phát triển mạnh mẽ / Sự phức tạp của việc Anh tham gia CPTPP hậu Brexit
Thứ nhất, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Thứ hai, Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết.
Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, ngay từ năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các thành viên đã thực thi Hiệp định này có tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số, tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng thủy sản; và hàng dệt, may...
Thứ ba,công tác quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường
Năm 2019, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, đặc biệt là dưới áp lực của xung đột thương mại Mỹ - Trung, các hành vi gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng với các hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp.
Để tăng cường công tác quản lý đối với các vấn đề này, Bộ Công thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 824 theo Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và Quyết định 2094A/QĐ-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2019 về Kế hoạch hành động của Bộ Công thương để triển khai Đề án 824.
Theo đó, bộ này đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Thứ tư, Bộ Công thương là bộ đầu tiên thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, được chính thức khai trương vào ngày 09/12.
Theo đó, bộ này đã chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi và Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại của Bộ Công thương.
Thứ năm, năm 2019 là năm tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công thương.
Cuộc vận động đã đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo cho thị trường trong nước giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.
Đồng thời, Cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Thứ sáu, sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.
Nước ta hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là hơn 25% và được dự báo quy mô thị trường có khả năng lên tới 13 tỷ USD vào năm 2020.
Bộ Công thương đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới với việc tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, qua đó, nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử của Amazon. Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.
Thứ bảy, chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện.
Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm và tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4, nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP...
Thứ tám, Việt Nam thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA.
Đây là thành tựu về khoa học công nghệ của quá trình chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Thành tựu này là một bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, trình độ thiết kế, chế tạo của doanh nghiệp, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp đang vận hành trên lưới điện quốc gia, đảm bảo mọi điều kiện để sản xuất các gam máy biến áp 500kV đang vận hành trên lưới điện quốc gia.
Thứ chín, quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đã thiết lập, xây dựng một tổ chức mới hoàn toàn. Đến nay, Tổng cục đã giảm được 235 đội quản lý thị trường và sẽ tiếp tục giảm 70 Đội vào năm 2020, từng bước kiện toàn công tác bổ nhiệm lãnh đạo các cấp trong Tổng cục và cơ bản hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được với việc phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng.
Cuối cùng, Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW.
Tính đến hết năm 2019, đã có khoảng gần 5.000 MW điện đã được sản xuất từ các nhà máy sản xuất điện mặt trời. Đây là tín hiệu cho thấy sự tích cực và hiệu quả do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ trong bối cảnh phụ tải điện tiếp tục tăng cao, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn.
Việc phát triển các dự án điện mặt trời cũng sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ về năng lượng mặt trời; tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời ở Việt Nam...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025