Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất loạt giải pháp căn cơ hỗ trợ doanh nghiệp
Sẽ thay đổi cách tính giá xăng dầu / Lâm Đồng: Bỏ trồng rau qua nuôi thỏ New Zealand, mỗi tháng đút túi hơn 30 triệu đồng
Những điểm sáng ấn tượng
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, quá trình cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên những điểm sáng ấn tượng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua, có thể khái quát được 03 điểm sáng quan trọng nhất:
Một là, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp. Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.
Hai là, chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm. Trong những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%.
Ba là, mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.
Sự phát triển, đóng góp của DN còn chưa tương xứng với tiềm năng
Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển.
Về phía các doanh nghiệp, mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao, đồng thời, chúng ta còn thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa, nếu có, thì vẫn còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu và thấp, thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...
Ngoài ra, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.
Về phía Nhà nước, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT đánh giá, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều tồn tại và bất cập; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu; một số chính sách quan trọng đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành...
5 giải pháp để DN phát triển mạnh mẽ
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, trước bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào một thập kỷ mới, phát triển nhanh, bền vững, hướng tới mục tiêu thịnh vượng và hùng cường, trên cơ sở đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thành trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp để giải quyết căn cơ các vấn đề lớn.
Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.
Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ năm, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt nam cần được thay đổi nhận thức, hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia dân tộc hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.
"Với tất cả những nỗ lực, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng, các khó khăn, rào cản của doanh nghiệp sẽ sớm được tháo gỡ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để cùng nhau tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo