Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Điều đáng tiếc là dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 48 tỉnh
DNVN - Sáng 31/5, Bộ trưởng NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường đã giải trình một số vấn đề nông nghiệp mà đại biểu quan tâm, trong đó nhấn mạnh đến việc đối phó với dịch tả lợn châu Phi trong khi dịch bệnh nguy hiểm này đã lan ra 48 tỉnh, thành trên cả nước.
TP.HCM - Điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản / Giá xăng, dầu (31/5): Dầu giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng gần đây
Theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, dịch tả lợn Châu Phi là vấn đề khá lớn, có lẽ trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với Việt Nam và ngành chăn nuôi trên thế giới về chăn nuôi lợn. Loại virus này lây truyền rất nhanh qua rất nhiều con đường và quan trọng nhất là đến giờ phút này là gần 100 năm nhưng thế giới không có vắc-xin phòng và không có thuốc chữa. Chính vì thế, xác định đây là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và của Việt Nam.
"Việt Nam ý thức được vấn đề này, vì chăn nuôi lợn của chúng ta chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Giá trị ngành nông nghiệp hiện nay vào khoảng 1 triệu tỷ thì riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94.000 tỷ tức là gần bằng 10%. Do đó, nếu để xảy ra tình trạng này thì rất nguy hiểm", ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Trong cơ cấu thực phẩm thì hiện nay thịt lợn chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu thực phẩm về thịt của bữa cơm hàng ngày. Đây là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ và 10.000 hộ trang trại chăn nuôi lớn và quy mô vừa của chúng ta.
Chỉ 1 tuần sau khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc vào ngày 23 tháng 8 năm 2018, ý thức được việc này vô cùng quan trọng, chúng ta đã ban hành công điện khẩn đến tất cả các địa phương, các ngành yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ xa bằng biện pháp kiểm soát biên giới ở tất cả các đơn vị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay công lệnh, chỉ thị. Chúng ta đã ban hành tới 50 văn bản, tất cả các địa phương đều vào cuộc rất tích cực.
"Tuy nhiên, điều rất đáng tiếc xảy ra, với tính chất đặc biệt của loại virus này, với biên giới kề cận của nước ta và Trung Quốc là 1450km; ngày 1/2/2019 chính thức ổ dịch đầu tiên đã xảy ra tại Hưng Yên", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Theo người đứng đầu Bộ NN & PTNT, chúng ta đã tập trung những kịch bản chuẩn bị sẵn ứng phó, hệ thống thú y, hệ thống chính quyền địa phương, nhân dân đã vào cuộc ngay từ đầu.
Tuy nhiên, do đặc thù về loại virus này; do đặc điểm của chúng ta còn tới 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chăn nuôi liền kề khu dân cư, không gian rất chật hẹp; do tính chất lan truyền của bệnh này nên đến giờ phút này, một điều đáng tiếc là bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh của chúng ta, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với đàn lợn chúng ta phải tiêu hủy là 2 triệu con, bằng 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn của chúng ta. Đây là một thiệt hại vô cùng lớn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình, làm rõ những vấn đề các Đại biểu quan tâm. (Ảnh: VPQH)
Bộ trưởng dự báo rằng, với tình hình diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp như năm nay, với đặc thù của bệnh này, với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi dự báo nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra những vùng còn lại; quay trở lại những nơi có ổ dịch qua 30 ngày mà đã không còn xuất hiện. Hiện nay chúng ta có 60 xã của 22 tỉnh và khoảng 30 huyện là 30 ngày không còn ổ dịch này nhưng nguy cơ cảnh báo rằng sẽ tiếp tục quay trở lại. Ngoài ra, nếu như không phòng trừ tốt thì bệnh dịch sẽ lan ra những hộ lớn.
Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tinh thần chỉ đạo các văn bản trung ương và các văn bản địa phương với một tinh thần, thông điệp chung là "dập dịch như diệt giặc" theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra những nhóm giải pháp về kỹ thuật nhằm đối phó với dịch bệnh, gồm:
Một, cố gắng ngăn chặn không để lan tỏa bệnh này. Có thể kết luận biện pháp an toàn sinh học là vũ khí duy nhất giữ đến giờ phút này. Tất cả các doanh nghiệp lớn nếu làm triệt để giải pháp an toàn sinh học chưa xảy ra và nếu làm điều này chúng ta sẽ ngăn không để dịch lan tỏa tiếp.
Hai, đặc biệt ở khu vực các hộ chăn nuôi lớn phải gia cố thêm các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học quyết liệt hơn, nhất là đàn giống gốc để sau này khi ổn định bệnh có điều kiện tái đàn. Tập trung chỉ đạo, cùng với công tác thú y của các biện pháp thú y để ngăn chặn. Giảm quy mô thiệt hại về kinh tế bằng mấy biện pháp, đó là hiện nay vẫn còn 94% đàn lợn chúng ta sạch không bị bệnh. Do đó, tuyên truyền không đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, đây vừa là giải pháp kỹ thuật, vừa giảm thiểu kinh tế, giúp cho thị trường ta không bị xuống giá lúc này và đề phòng sốt tới đây quý III, IV khủng hoảng thiếu. Bởi nhiều nước hiện nay giá lợn rất cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp cùng các doanh nghiệp, các sở công thương để họp bàn dự trữ thịt đông lạnh, nếu doanh nghiệp nào có điều kiện thì tập trung chỗ này và Chính phủ sẽ có chính sách khuyến khích, tăng cường. Giảm thiểu kinh tế bằng cách không tăng đàn lúc này kể cả quy mô hộ nhỏ hay lớn vì tăng đàn lúc này nguy cơ rủi ro rất cao.
Ba là tập trung thúc đẩy các nhóm tăng trưởng khác của khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên cơ sở nguyên tắc tăng trưởng có liên kết chống nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, chống rủi ro về thị trường nếu không ồ ạt lại xuống giá, phải làm sao cố gắng hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Bốn là tập trung vào các giải pháp trung hạn hơn, đó là thúc đẩy nhanh nghiên cứu khoa học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu đang tập trung vào giải pháp an toàn sinh học và nghiên cứu vaccine. Bước đầu đã phân lập chủng loại virus trên địa bàn chúng ta, làm tiền đề cho các bước nghiên cứu khác và kết hợp với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài để tìm ra vaccine.
Năm là thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp cùng với các ngành tính toán trên cơ sở năm nay có dịch chưa bao giờ xảy ra, nông dân chúng ta rất thiệt hại, các thành phần kinh tế tham gia thiệt hại, nhà nước có một chính sách hỗ trợ trên cơ sở nguyên tắc dịch xảy ra không ai muốn, nhà nước sẽ cố gắng tối đa trong điều kiện cho phép để trung ương, địa phương, và người dân cùng chung tay vào lúc khó khăn nhất.
Điểm cuối cùng về giải pháp căn cơ hơn là Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp tổng kết 10 năm Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi 2008 - 2019 để từ đó với tình hình nhu cầu thế giới với tình hình nền kinh tế Việt Nam với điều kiện biến đổi khí hậu phải xây dựng kịch bản chiến lược mới. Theo đó, Bộ NN & PTNT sẽ trình vào tháng 10 tới trên cơ sở đó đảm bảo kinh tế phát triển nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi bền vững, khai thác đúng hiệu quả và san sẻ rủi ro, không tập trung vào một số nhóm đối tượng quá lớn như vừa qua.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo