Bộ Y tế đẩy mạnh thanh tra ngăn chặn thuốc giả xâm nhập thị trường
Sau mưa lũ, các loại rau xanh Đà Lạt đồng loạt tăng giá / Thị trường bánh Trung thu homemade 2019: Mẫu mã đẹp, giá cả không quá cao nên rất "hút" người mua
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của hệ thống kiểm nghiệm thuốc, trong năm 2018, cả nước đã phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017) và 14 loại thuốc bị nghi ngờ làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và một loại đông dược.
So với số lượng mẫu lấy để kiểm nghiệm, tỷ lệ thuốc giả chỉ khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%.
Vào tháng 1/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo đến cơ quan chức năng Việt Nam hai dược phẩm giả mạo, đã phát hiện lưu hành ở Pakistan và Iran, gồm Gulucatime và Glucantime đều là dung dịch tiêm truyền, hạn dùng lần lượt ghi trên nhãn là tháng 10 và tháng 2/2021.
Theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.
Thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh. Đối với kháng sinh, nếu dùng phải thuốc giả có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc.
Đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ đe dọa tới tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn do cả cán bộ y tế và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc phù hợp.
Để ngăn chặn nguy cơ thuốc giả xâm nhập vào thị trường, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc…
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo