Thị trường

Các kịch bản dự báo lạm phát năm 2021

Năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao, cần có nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát.

Đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê đón nhiều tin vui / Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 35 tỷ USD trong 2020

Nhiều yếu tố đẩy chỉ số CPI tăng cao

Năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các quốc gia. Trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vaccine chống Covid-19 và đã có những quốc gia thực hiện tiêm chủng rộng rãi trong xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ hai, mặc dù dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp, nhưng nhiều quốc gia đã dần quen với trạng thái “bình thường mới”, vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa bắt đầu từng bước phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng lên. Hơn nữa, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã hạ thấp lãi suất, thậm chí áp dụng cơ chế lãi suất âm để thúc đẩy sản xuất. Dư địa và tác dụng của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế rất hạn hẹp.

Để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế, các quốc gia chủ yếu sẽ sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định, năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận định, năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao.

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát. Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2020.

Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về lao động tăng lên. Thu nhập của người dân cũng tăng cao đòi hỏi hàng hóa cũng phải đáp ứng đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao. Mặt khác, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao.

Hơn nữa, trong thời gian gần đây do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản thông qua trái phiếu lãi suất cao của các doanh nghiệp bất động sản, nên dù đại dịch bùng phát, nhưng giá cả các phân khúc của thị trường này không giảm, thậm chí ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM còn tăng cao.

Đặc biệt, có một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Nếu 30/3/2020 VN-Index khoảng 660 điểm thì đến 5/1/2021 đã tăng lên đến 1.130 điểm. Đây có thể là dấu hiệu nền kinh tế phục hồi rất tốt và kỳ vọng sáng sủa của các nhà đầu tư vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường và thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát. Thêm vào đó, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng cao.

 

Các kịch bản về lạm phát

Dự báo trong năm 2021 nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,0% - 6,7% thì khả năng lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, - 0,5%).

Nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8% - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, - 0,5%).

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn.

Để đảm bảo mục tiêu này thì chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

 

s

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI).

Tổng cục quản lý thị trường Bộ Công thương và Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả thị trường bát động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế. Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc để các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành phải được các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.

 

Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch Covid-19, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập

Cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng và số hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thực hiện kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý giá của các Bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, nhằm cung cấp thông tin về giá chính xác, kịp thời và có cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm