Cần Thơ: Kiếm tiền triệu từ trái mận tí hon
Kêu gọi doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới / "Ngành thiết kế Việt Nam trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa"
So sánh mận hoàng yến và mận thông thường.
Men theo tuyến đường cặp bên Khách sạn Vạn Phát, chạy đến cuối đường, du khách sẽ bắt gặp vườn mận bonsai đẹp mắt này. Người sở hữu chúng là anh Đào Văn Hiếu, 38 tuổi, tên thường gọi là Hận. Anh Hận cho biết, cây mận này có tên là mận hoàng yến. Hình dáng từ thân cây đến lá, hoa… đều không khác những loại mận khác, duy chỉ có trái là kích thước nhỏ hơn nhiều lần và cho trái rất nhiều.
Cách đây 7 năm, anh Hận được một người thầy dạy trồng cây kiểng ở tỉnh Bến Tre giới thiệu giống mận quý này và anh đem về trồng. Vốn có nghề trồng và ghép mai vàng thành thạo, anh Hận nghĩ đến chuyện nhân giống và ghép mận hoàng yến. Anh tìm mua những gốc mận già, cao lớn đem về hạ tán làm kiểng bonsai rồi ghép bo mận hoàng yến vào. Năm đầu tiên, tỷ lệ thành công không tới 50% nhưng năm thứ 2, anh Hận đã thành công tuyệt đối và duy trì nghề từ đó đến nay. Mỗi năm, anh Hận cung cấp ra thị trường hàng trăm gốc mận hoàng yến bonsai đẹp mắt, đặc biệt thu hút với khách hàng các địa phương miền Bắc. Tùy độ đẹp, lớn của gốc mận ghép và quy mô nhành, tược mà mỗi cây mận hoàng yến bonsai được anh Hận bán với giá từ trên 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Anh Hận bên gốc mận bonsai cho trái tí hon.
Hiện tại, anh Hận vẫn đang chăm sóc gốc mận hoàng yến “cái” rất cẩn thận để dùng chiết cành nhân giống và lấy bo ghép. Theo anh, việc chăm sóc cây mận hoàng yến rất dễ, chỉ cần đảm bảo tưới nước đều, thỉnh thoảng bổ sung một ít phân bón là cây sẽ sinh trưởng tốt. Mận hoàng yến cho trái quanh năm, rất nhiều trái và trái ăn rất ngon với vị ngọt thanh, thịt chắc. “Điểm đặc biệt nhất của cây mận này là không cần bao trái mà vẫn không bị sâu và nhặng đục làm hư trái như những giống mận khác. Kinh nghiệm nhiều năm qua tôi ghi nhận được nhưng không biết lý giải thế nào” - anh Hận chia sẻ. Ngoài ra, khi phát hiện mận hoàng yến bị sâu rầy tấn công, người trồng không cần sử dụng thuốc hóa học mà chỉ cần tưới hoặc phun ít rượu trắng, hay các loại nước pha tạo tinh dầu như tiêu, tỏi, ớt... thì sâu, rầy tự khắc biến mất.
Tết này, những chậu mận hoàng yến bonsai của anh Hận “cháy hàng” từ rất sớm. Hơn 50 gốc chưa kịp cho trái đã được khách hàng các tỉnh phía Bắc vận chuyển để kịp đón Tết. Anh Hận chỉ còn 1-2 gốc để trưng bày sản phẩm nhưng cũng có rất nhiều người hỏi mua. Còn rất nhiều đơn hàng đặt nhưng anh Hận cũng không dám hứa trước vì để sở hữu một cây mận bonsai hoàn chỉnh phải mất rất nhiều thời gian.
Những gốc mận cổ, dáng thế đẹp cho trái đỏ rực với kích thước trái tí hon khiến nhiều người tò mò và muốn sở hữu. Anh Hoàng Thế Kiên, một tài xế đến từ tỉnh Bắc Giang, nói: “Tôi đã vào Cần Thơ chở 2 chuyến mận hoàng yến này cho khách hàng. Ở ngoài đấy họ thích lắm, mang về thay chậu đẹp và đặt trong sân vườn, biệt thự, nhìn rất đẹp”. Với cách làm nông nghiệp sáng tạo này, anh Hiếu có thể kiếm trăm triệu đồng mỗi năm, giúp cải thiện cuộc sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 20/1/2025: Vàng chuẩn bị tăng mạnh?
Cần thiết xây dựng Luật Thương mại điện tử
Giá heo hơi ngày 20/1/2025: "Lặng sóng" trên toàn quốc
Giá ngoại tệ ngày 20/1/2025: "Đứng yên", chờ đợi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Thị trường bánh kẹo Tết: Đa dạng mẫu mã, lượng hàng tăng 10 - 15%
Bất động sản công nghiệp duy trì đà tăng trưởng mạnh