Cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2018: Có thực chất hay 'con số chỉ là con số'?
(DNVN) - Tại Hội thảo Điểm lại Pháp luật kinh doanh 2018 vào ngày 15/01, mặc dù nhận định việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có nhiều điểm sáng, tuy nhiên các chuyên gia bày tỏ lo ngại liệu hoạt động này có thực chất, hiệu quả không, hay “con số chỉ là những con số”.
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản tiêu thụ nhiều sản phẩm của Việt Nam / Bộ Nội vụ cắt giảm, đơn giản hóa 1.133/6.213 điều kiện kinh doanh trong 2018
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Năm 2018 là một năm "quyết tâm" cải cách nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Đến cuối năm 2018, có tới 25 nghị định (NĐ) do 15 bộ ngành soạn thảo, sửa đổi, thay thế cho 80 NĐ trước đó có quy định các điều kiện kinh doanh.
Việc hàng trăm điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm 2018 đã giúp môi trường kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, ông Đậu Anh Tuấn chia rẻ rằng, dù các NĐ mới đều đạt chỉ tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng việc cắt giảm đó liệu có thực chất, hiệu quả không, hay “con số chỉ là những con số”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: Báo DĐDN)
Ông Tuấn nêu ví dụ việc một DN dệt may phản ánh, những quy định về kiểm tra formaldehyde về thông tư trong 37 của Bộ Công Thương đã được bãi bỏ, nhưng thông tư 21 (sửa đổi thông tư 37) lại quy định xác nhận về fomandehyde nặng nề hơn thông tư 37”.
Tình trạng “bỏ cũ, thêm mới”, tức bỏ giấy phép này, nhưng lại “đẻ” thêm giấy phép khác cũng đã được ông Tuấn chỉ ra. Chẳng hạn, NĐ 136 (năm 2018) bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất…phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ TN&MT ban hành”. Đây được xem là giấy phép mới, gây tốn kém chi phí, khó khăn cho đối tượng phải xin phép, bị các hiệp hội phản ứng gay gắt.
Ông Tuấn đã dẫn điều 27, NĐ 60 khi nói về hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Điều 27, NĐ 60 về hoạt động in, quy định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu, nhưng không có quy định nào về tiêu chí cấp phép với các loại máy móc này.
Đề cận đến khó khăn của DN khi giải quyết thủ tục, TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Bắc Ninh cho rằng, vẫn còn tình trạng lợi ích của các bộ ngành nằm trong các thiết kế quy định pháp luật. DN vẫn phải gặp trực tiếp thì việc mới được xử lý tốt hơn trong khi đã triển khai và phát triển dịch vụ công trực tuyến, gửi hồ sơ qua mạng.
Đánh giá chung về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại mới dừng ở mức tháo gỡ rào cản. Trong khi đó, một NĐ 30 dài trang, chỉ có 2 điều về điều kiện kinh doanh, nhưng kèm theo đó là vô số những phương thức quản lý, nghĩa vụ DN rất lớn. Những quy định này rất ràng buộc và hạn chế DN.
Ông chỉ ra hai thách thức rất lớn trong cải cách pháp luật kinh doanh hiện nay: Một là tất cả các cải cách đều xuất phát từ sự quyết liệt của Chính phủ mà chưa có một bộ, ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà mình nắm giữ. Hai là việc kiểm soát chất lượng của quy định của các điều kiện kinh doanh được ban hành mới.
Theo ông Hiếu, để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2019 đi vào thực chất, Chính phủ cần thay đổi cách tiếp cận cải cách điều kiện kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ nên chỉ đạo bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp mà không cần tranh cãi; đồng thời bãi bỏ tất cả quy định giới hạn về thời gian.
Để đảm bảo quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, theo ông Hiếu, có 2 vấn đề cần quan tâm: Các bộ không chọn cơ quan tham mưu chủ trì xây dựng chính sách là cơ quan thực thi chính sách; cần đầu tư cho công tác làm chính sách, nâng cao năng lực cho bộ phận làm chính sách.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo