Chế biến và tìm thị trường quyết định kim ngạch thủy sản năm 2019
Tăng cường kiểm soát hoạt động phát hành và sử dụng thẻ tín dụng / Ngành gỗ: Nâng vị thế từ vai trò của doanh nghiệp và gỗ hợp pháp
Vùng ĐBSCL đóng góp hơn 74% sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước, trong đó các sản phẩm chủ lực vẫn là nông thủy sản, ngành hàng tôm và cá tra đang chiếm ưu thế. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm qua đạt gần 9 tỷ USD, với tổng sản lượng đạt khoảng hơn 7,7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm từ 55% – 60%.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 GDP Thủy sản đạt hơn 190.000 tỷ đồng, chiếm 3.43% toàn nền kinh tế và hơn 23 % toàn ngành nông nghiệp, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành nông nghiệp. Dự báo, với đà tăng trưởng thuận lợi, ngành thủy sản Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trong năm nay sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD và tổng sản lượng 7,9 triệu tấn.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam. |
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, vùng ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng, lợi thế và là điểm đến có sức hút lớn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, muốn tham gia vào thị trường thủy sản Việt Nam đang ngày càng phát triển và năng động, vì vùng ĐBSCL có đường bờ biển dài hơn 700 km với gần 4 triệu ha đất ngập nước tự nhiên, đa dạng sinh học cao tạo môi trường lý tưởng để nuôi trồng thủy sản.
“Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hai đối tượng tôm và cá tra cần phải được tập trung. Từ sản xuất con giống cần phải có liên kết, lấy chất lượng làm hàng đầu, bảo đảm môi trường lấy chế biến giá trị gia tăng là quan trọng. Trong đó, tăng năng suất, tăng sản lượng là bắt buộc phải có, vì nếu muốn có kim ngạch 10 tỷ USD, thì chế biến xuất khẩu và thị trường sẽ là những yếu tố quyết định”, ông Thắng chỉ rõ.
Từ ngày 16 – 18/10 tới đây, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị Quốc tế chuyên ngành Thủy sản Việt Nam 2019 với chủ đề “Tiềm năng của ngành nuôi trồng Thủy Sản Việt Nam – cơ hội cho các nhà đầu tư”. Hội nghị sẽ thảo luận về chất lượng con giống, dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, chế biến xuất khẩu, thị trường, dịch vụ và phát triển bền vững.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến ngành thủy sản. Đặc biệt là người dân có cơ hội để cập nhật kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm công nghệ tốt nhất để phục vụ sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo