Chính phủ yêu cầu lên phương án đón khách quốc tế vào Phú Quốc trong tháng 7
Giải pháp nào "cứu" 90% doanh nghiệp du lịch thoát khỏi nguy cơ phá sản? / Bộ VH-TT&DL đề nghị hỗ trợ cho nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch 5,4 triệu đồng/người
Trong văn bản 4150/VPCP-TKBT ngày 22/6/2021, Văn phòng Chính phủ nêu rõ thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội tại phiên họp ngày 11/6/2021 (văn bản số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.
Để thực hiện quá trình này, Bộ Y Tế cần lên kế hoạch nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc-xin phòng, chống Covid cho người dân đạt được miễn dịch cộng đồng với thời gian cụ thể.
Trước đó, trong cuộc họp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Tổng cục Du lịch và Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Tổng cục Du lịch lên phương án đề xuất hai điểm đến là Phú Quốc và Nam Hội An cho việc triển khai lại du lịch quốc tế. Các thị trường được nhắm đến cho việc mở cửa lại du lịch phải là những thị trường an toàn, những quốc gia đã được tiêm chủng tối thiểu và khách đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Hiện nay các hãng hàng không Viêt Nam đã đưa vào sử dụng IATA Travel Pass.
Phú Quốc đang chuẩn bị cho sự trở lại của khách du lịch
Trong kế hoạch của tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói rằng, vaccine chống Covid-19 là chìa khóa, là cơ hội để không chỉ Phú Quốc mà Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế trở lại.
“Tỉnh Kiên Giang đang lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân Phú Quốc để địa phương đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi đó, Phú Quốc có thể mở cửa đón khách quốc tế đến du lịch vào tháng 9 hoặc tháng 10”, ông Thành chia sẻ. Ông Thành cho biết tỉnh Kiên Giang đã tính toán kinh phí mua vaccine. Tỉnh có thể huy động từ ngân sách và nguồn ủng hộ từ các mạnh thường quân. Mục tiêu là tiêm chủng cho khoảng 170.000 dân ở Phú Quốc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, địa phương đã xây dựng các kịch bản đón khách quốc tế, đón khách nội địa, tổ chức cách ly, đón tiếp, hậu cần… một cách chu đáo, cụ thể. Với đề xuất tiêm vaccine cho người dân, tỉnh sẽ xây dựng đề án cụ thể, chủ động báo cáo Chính phủ để được phê duyệt.
Trước đó, Kiên Giang đã báo cáo xin phép Thủ tướng để Phú Quốc là nơi đầu tiên chấp nhận hộ chiếu vaccine, đón khách du lịch trở lại. Vừa qua, Bộ Chính trị đã đồng ý việc thí điểm hộ chiếu vaccine.
Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận một khó khăn là nguồn vaccine đang rất khan hiếm. Các nhà sản xuất vaccine hiện tại chỉ đàm phán qua Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vaccine về Việt Nam rất hạn chế. “Điểm mấu chốt của việc mở cửa là nguồn vaccine. Về vấn đề này, Kiên Giang rất mong muốn Chính phủ quan tâm, ưu tiên”, ông Thành chia sẻ.
Khó khăn thứ hai là nhiều loại vaccine mới chỉ được cấp phép cho người độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Do đó, nếu tiêm vaccine cho toàn bộ người dân và đón khách trở lại, thì đối tượng dưới 18 tuổi sẽ là bài toán khó.
Trước dịch bệnh, bình quân mỗi năm, Phú Quốc đón 5-6 triệu lượt khách. Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, ngành du lịch của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 trong năm 2020. Tình trạng hủy tour lên đến 60-80%; có 339 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tạm thời đóng cửa, giải thể hoặc chuyển nhượng kinh doanh.
Trong năm 2020, Kiên Giang đón 5,2 triệu lượt khách, giảm 40,7% so với năm 2019. Trong đó khách quốc tế là gần 185.000 lượt, giảm 74,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 7.867 tỷ đồng, giảm 57,7% so với cùng kỳ. Ông Thành nhấn mạnh tỉnh Kiên Giang luôn sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Nếu Chính phủ có chủ trương đón khách quốc tế, tỉnh cũng sẽ sẵn sàng các biện pháp cần thiết.
Cuộc cạnh tranh mở cửa tại Đông Nam Á
Các nhà làm du lịch đều cho rằng nếu Việt Nam chậm chân trong việc mở cửa du lịch, chắc chắn sẽ đánh mất đi lợi thế điểm đến và trở nên tụt hậu đối với bản đồ du lịch quốc tế, có thể mất nhiều năm hơn trong việc gây dựng lại vị trí, nhất là trong bối cảnh các nước có điểm đến biển đảo tương tự như Thái Lan, Indonesia đang nỗ lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện việc này càng sớm càng tốt.
Thái Lan mới đây quyết định cho phép du khách miễn cách ly khi tới du lịch tại đảo Phuket từ ngày 1/7 tới, với điều kiện là du khách đã tiêm vaccine Covid-19 và không tới từ các quốc gia có nguy cơ cao. Chính quyền Thái Lan cũng đặt mục tiêu mở cửa hoàn toàn sau 120 ngày.
Chính quyền Thái Lan đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để mở cửa lại Phuket khi ưu tiên vaccine Covid-19 cho người dân hòn đảo. Theo kế hoạch, 70% dân cư trên đảo Phuket sẽ được tiêm vaccine Covid-19. Hiện nay, tỷ lệ này ở Phuket là 60%, cao hơn rất nhiều tỷ lệ trung bình toàn quốc của Thái Lan là 5%.
Trong khi đó, Indonesia đang lên kế hoạch thí điểm mở cửa Bali, Batam và Bintan tương tự như Phuket của Thái Lan. Hàn Quốc đang xúc tiến mở lại du lịch theo đoàn, với một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, đảo Guam (Mỹ).
Grand World - thành phố không ngủ trên Phú Quốc mới khai trương trong năm 2021.
Trong khi đó, Phú Quốc – viên ngọc biển đảo của Việt Nam đang được định hướng để trở thành thiên đường du lịch ngang tầm với Bali hay Phuket. Tập đoàn Vingroup gần đây đã cho khai trương Grand World “thành phố không ngủ” tại Phú Quốc, cùng với đó là hàng trăm dự án khác đầu tư vào hạ tầng du lịch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, bến cảng, sân bay được triển khai trong nhiều năm vừa qua tuy nhiên gặp phải đình trệ do dịch Covid-19.
Việc tạo ra vị trí cạnh tranh không phải là câu chuyện đơn giản xem xét vị trí của Phú Quốc như một điểm đến mới được sinh ra trong một khu vực gồm các điểm đến nổi tiếng lâu năm bao gồm Cebu và Boracay của Philippines. Vì vậy, việc chuẩn bị kế hoạch mở cửa sau đại dịch sớm càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để du lịch Phú Quốc nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng tạo được lợi thế cạnh tranh trong quá trình hồi phục sau cuộc khủng hoảng kéo dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo