Xã hội

Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ngành du lịch TP.HCM tiếp cận vắc xin phòng Covid-19

DNVN - Đại dịch Covid-19 ập đến (đầu năm 2020) đã đẩy nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành tại TP.HCM vào vòng khủng hoảng, bế tắc. Trước tình thế này, Hiệp hội du lịch TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét hỗ trợ ngành du lịch TP.HCM tiếp cận vắc xin phòng Covid-19.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc: cần quy định cụ thể và chế tài đủ mạnh / Đà Nẵng: Nhờ xét nghiệm sớm phát hiện 15 ca dương tính

Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 hoành hành, du lịch và hàng không là ngành chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có, mọi hoạt động gần như tê liệt, doanh nghiệp điêu đứng, hầu hết đều ngưng hoạt động, không có doanh thu... nhưng vẫn phải chịu áp lực lớn với hàng loạt các chi phí: trả lương cho lao động (mặc dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay, nợ, hoàn tiền cho khách hàng với các chi phí đã đặt trước.

Trước những làn sóng dịch Covid-19 liên tiếp ảnh hưởng đến ngành du lịch, mới đây bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi ông Watanabe Nobuhiro - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM kiến nghị xem xét hỗ trợ ngành du lịch TP.HCM tiếp cận vắc xin phòng Covid-19.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Hiệp hội Du lịch TP.HCM là một tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập ngày 8/9/2004, thành viên của Hiệp hội là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn thành phố gồm nhiều bộ phận. Đến nay, Hiệp hội có khoảng 10.000 hội viên.

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. (Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19)

Những năm gần đây, TP.HCM nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đều vui mừng trước tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách Nhật đến Việt Nam và ngược lại khách Việt Nam đến Nhật Bản, đó là minh chứng cho sự tương đồng về văn hoá được đôi bên quan tâm và tình hữu nghị sâu sắc, bền chặt giữa hai nước.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh: "Trong giai đoạn hiện nay khi TP.HCM đang trở thành tâm dịch của cả nước, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị ông Watanabe Nobuhiro - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM xem xét thảo luận với Chính phủ Nhật Bản về tình hình ngành du lịch TP.HCM và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch của Hiệp hội kịp thời tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 thông qua hình thức viện trợ hoặc xã hội hóa để có thể sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng. Sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản sẽ góp phần rất lớn, tạo ra cơ hội vàng cứu du lịch thành phố nói riêng cũng như ngành du lịch cả nước nói chung”.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 1/1/2020 - 3/3/2021, có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 135 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa). Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động.

Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Trên địa bàn thành phố đã có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao/tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35% so với 2019.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm