Giải pháp nào "cứu" 90% doanh nghiệp du lịch thoát khỏi nguy cơ phá sản?
Đầu tư, nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng du lịch / Đề xuất giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19. Ngành du lịch vừa cố gượng dậy sau năm 2020 bị tác động Covid-19 cùng với thiên tai lịch sử miền Trung, đang kỳ vọng dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì lại hứng chịu tác động của đợt bùng phát dịch mới. Dẫn tới lượng khách đặt tour cho dịp nghỉ lễ Tết dương lịch và Tết âm lịch năm nay giảm hơn rất nhiều so với các năm. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.
Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương và đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa để truy trì nhân sự chủ chốt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, quy định tiền ký quỹ 500 triệu/doanh nghiệp lữ hành quốc tế khiến doanh nghiệp bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn, khoảng 600 doanh nghiệp tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính. Tuy nhiên việc rút tiền ký quỹ cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã phải tiêu tới nhữn đồng cuối cùng để hoạt động kinh doanh, và nếu không thể bù được số tiền này thì doanh nghiệp cũng không thể tiếp tục hoạt động được nữa.
Ngày 15/6, Hiệp hội Du lịch TP HCM đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP HCM và các đơn vị liên quan kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Du lịch TP, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả, miễn, giảm lãi, phí…, quy định các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng nhưng thực tế các doanh nghiệp du lịch rất khó khăn trong thanh toán các khoản nợ, trong khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
"Ngành du lịch vốn lao đao, chưa thể phục hồi nay đang bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn sẽ kéo dài" – bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM nói.
Báo cáo của Sở Du lịch TP HCM cho thấy đến nay chỉ còn khoảng 50% doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Trong 5 tháng đầu năm, tổng cộng 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Các doanh nghiệp đều cắt giảm từ 50 - 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.
Nếu doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực liên quan nhiều tới nhân sự và công nợ thì nhiều doanh nghiệp du lịch như các đội tàu, đội xe nhà hàng lại còn đứng trước áp lực về cơ sở vật chất phục vụ cho khách du lịch cũng dần xuống cấp khi không có tiền duy tu bảo dưỡng, và xuống cấp theo thời gian, đặc biệt là những dịch vụ như du thuyền cao cấp hay xe khách.
Ngày 14/6, đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết các doanh nghiệp sở hữu hơn 500 tàu du lịch của tỉnh này đã gửi đơn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính. "Doanh nghiệp không còn cách nào khác phải kêu gọi sự giúp đỡ từ Nhà nước, xin Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ, cứu giúp các doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản vì dịch bệnh Covid-19 này”, Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết.
Hơn 500 du thuyền Hạ Long nằm neo bến gần 2 tháng qua phải gánh rất nhiều chi phí.
Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết hơn một năm qua, phần lớn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải nằm bờ vì đói khách, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng nghìn người lao động. Không những vậy, hàng tháng các chủ tàu vẫn phải trả các chi phí khác như tiền bảo dưỡng tàu, vào đà, hao mòn tàu cho sóng biển, ngoài ra là chi phí nhân sự như tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiền vay ngân hàng. Hiện vốn vay chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án.
Khi các nước châu Âu đã bắt đầu nối lại du lịch quốc tế với điều kiện về hộ chiếu vaccine, thì ngày mở cửa của Việt Nam vẫn còn rất xa khi tỉ lệ tiêm chủng mới chỉ đạt khoảng 1% và việc đạt được miễn dịch cộng đồng chắc chắn không thể đạt được sớm hơn trước đầu năm 2022. Tương lai nào cho ngành du lịch khi các doanh nghiệp cạn kiệt dần nguồn tiền để duy trì hoạt động, nhân sự là chất xám của doanh nghiệp cũng không thể trụ lại, và vẫn chưa có một cơ chế nào từ phía nhà nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thậm chí khoản hỗ trợ của Chính phủ từ năm 2020 cũng không mấy doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận được.
Những khó khăn của ngành du lịch, trong đó có lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng, chuỗi cung ứng dịch vụ, kéo theo những ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành như vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thuỷ… Vì vậy, việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động cũng góp phần tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan.
Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP HCM và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch. Cụ thể, kiến nghị giảm lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ…
Đại diện các doanh nghiệp tàu Hạ Long đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như: Giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn từ 10 - 15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng công bố hết dịch. Đồng thời, Chi hội tàu Du lịch Hạ Long cũng đề xuất được hỗ trợ cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt. Một khoản vốn lưu động thực sự có ý nghĩa giúp doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh thuận lợi.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 như: "Triển khai những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi... Để xoay chuyển tình hình, dĩ nhiên các doanh nghiệp đang cố gắng tìm cách tự cứu, nhưng việc thực thi ngay các giải pháp để giảm tải, giảm áp lực cho doanh nghiệp đang trong tình cảnh sợi mành treo chuông hiện nay là vô cùng cần thiết.
"Không kịp hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đến nơi đến chốn đều sẽ khiến cả hệ thống đổ vỡ ngay,” ông Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo