Chờ 'điểm sáng' trong xuất khẩu 3 tháng cuối năm
Vốn FDI 9 tháng đạt hơn 21 tỷ USD / Nông dân Tây Nguyên có thể vay lên đến 3 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp
Ông Nhân - chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, những tháng trước do xảy ra dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu (XK) của cơ sở bị hạn chế rất nhiều, từ khách hàng đến khâu vận chuyển.
Kỳ vọng ở ngành gỗ
Tuy nhiên, từ tháng 6/2020, việc XK đã giảm bớt được một phần khó khăn, dù chưa khôi phục được hoàn toàn như trước đây. Theo ông Nhân, chỉ khi nào dịch bệnh trên thế giới lắng xuống, giao thương, vận tải trở lại bình thường thì ngành gỗ mới phục hồi tốt được.
Riêng 3 tháng còn lại của năm 2020, ông Nhân hy vọng nhu cầu mua sắm đồ gỗ nội thất gia tăng từ các thị trường XK sẽ giúp cho đơn hàng mới của cơ sở được nhiều hơn, nhằm gỡ gạc phần nào khó khăn trong thời gian qua.
Các DN nhóm ngành đồ gỗ nội thất kỳ vọng đơn hàng XK mới gia tăng trong quý IV/2020.
Trong báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, nhóm ngành hàng sản xuất đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn ghế được cho là có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới trong quý IV tăng so quý III/2020, với tỷ lệ là 50,7%.
Về đơn đặt hàng XK quý IV/2020, các doanh nghiệp (DN) nhóm ngành này cũng có tỷ lệ dự báo tăng cao so với quý trước là 55,3%.
Điều này cho thấy, các DN trong nhóm ngành đồ gỗ nội thất đang khá lạc quan, dành nhiều kỳ vọng cho XK trong 3 tháng còn lại của năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm nay, các DN ngành gỗ đã cho thấy những nỗ lực vượt khó trước tác động của dịch Covid-19 khi đạt kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ là 7,32 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) cho biết, các DN ngành đồ gỗ Việt đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 và đang rất kỳ vọng vào những chuyển biến mới ở các thị trường XK.
Còn theo Bộ Công Thương, trong 3 tháng cuối năm, các DN ngành gỗ kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt hơn. Thêm vào đó, các DN cũng hy vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên trong thời gian tới.
Một nhóm ngành chủ lực khác cũng đang kỳ vọng cao vào đơn hàng XK mới trong quý IV/2020 tăng so với quý trước là nhóm ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, với tỷ lệ 43,7%.
Ghi nhận ở Tp.HCM cho thấy, trong tháng 9/2020, nhiều hợp đồng mới đã được các DN da giày thương thảo. Một số DN có quy mô lớn như: CTCP Tập đoàn Gia Định, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và giày da An Thịnh… đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng mới, đặc biệt từ thị trường EU, dự kiến sẽ được ký vào những tháng cuối năm. Hiện nay, những DN này đang chuẩn bị cho các kế hoạch đẩy mạnh sản xuất trở lại.
Lạc quan với đơn hàng mới
Giới chuyên gia dự báo kim ngạch XK giày dép trong quý IV/2020 sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 10%.
Một nhóm ngành XK chủ lực khác không thể không nhắc đến chính là nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học. Qua thăm dò của Tổng cục Thống kê, nhóm ngành này có tỷ lệ DN dự báo đơn hàng XK trong quý IV tăng so với quý III/2020 là 54,1%.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lưu ý, ngành điện tử Việt Nam dự kiến sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong quý còn lại của năm 2020 do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châuÂu.
Hiện nay, Tập đoàn Samsung cũng đã lên kế hoạch và kịch bản ứng phó với tình hình này trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống phân phối.
Đối với đơn đặt hàng mới trong quý IV/2020 của các DN trong lĩnh vực chế biến chế tạo nói chung, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số cân bằng quý IV so với quý III/2020 là 25,5% (43,2% DN dự báo tăng đơn hàng và 17,7% DN dự bảo giảm).
Trong đó, khu vực DN nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 29,0%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 27,8% và thấp nhất khu vực DN ngoài nhà nước với 24,2%.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 18/9/2020) về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA trong giai đoạn 2020-2022.
Điều này cũng phần nào giúp các DN lĩnh vực chế biến lạc quan hơn với đơn hàng XK mới trong 3 tháng cuối năm; đặc biệt là các DN XK những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới…
Để gia tăng XK trong những tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho rằng, cần chú trọng quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của DN mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo