Chứng khoán Trung Quốc mất 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa trong năm 2018
Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam / 9 giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Một loạt các yếu tố bất lợi đã đẩy nhà đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc rơi vào tình trạng thua lỗ tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đó là thông tin vừa được hãng tin Bloomberg đưa ra.
Theo Bloomberg, 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán của nền kinh tế số 2 thế giới kể từ đầu năm tới nay do áp lực từ sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhiều kỷ lục và căng thẳng thương mại. Toàn bộ 10 nhóm cổ phiếu ngành của chỉ số CSI 300 đang trên đà hoàn tất năm 2018 với mức giảm ít nhất 10% - ghi nhận một trong những năm chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Công nghệ và viễn thông là hai trong số những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất, do tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Những cáo buộc của Washington nhằm vào ZTE và Huawei đã đẩy cổ phiếu các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khốn đốn. Bên cạnh đó, việc Mỹ có kế hoạch siết chặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc cũng góp phần khiến cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu còn lại cũng không thể xem là an toàn. Cổ phiếu tiêu dùng bị ảnh hưởng khi niềm tin của người tiêu dùng suy giảm do căng thẳng leo thang. Một số nhóm cổ phiếu khác như dược phẩm và giáo dục cũng không tránh khỏi xu hướng giảm chóng mặt do vụ bê bối vaccine và sự thắt chặt quy định của chính phủ Trung Quốc.
Một số chuyên gia dự báo, tâm lý trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những tháng tới có thể được cải thiện, nhờ các biện pháp hỗ trợ từ Bắc Kinh, và sự nới lỏng các điều kiện thanh khoản. Tuy nhiên nhiều ý kiến thận trọng cho rằng như vậy là chưa đủ để vực dậy thị trường, khi mà tăng trưởng kinh tế khó có thể phục hồi mạnh mẽ, và tranh chấp thương mại với Mỹ vẫn chưa được giải quyết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo