Chứng khoán Việt tuần tới tiếp tục "hoá gấu"?
Giám đốc Trung Nguyên Legend tại Trung Quốc: Đừng nghĩ thị trường 1,4 tỷ dân này "dễ tính", cứ mang hàng sang là bán được / Khuyến cáo doanh nghiệp và người dân sử dụng điện an toàn
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch (từ 9 - 13/5) tiêu cực nhất từ sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020, với mức giảm mạnh 11,02%, tương đương 146,49 điểm.
Giới phân tích nhận định, với diễn biến hiện tại của thị trường thì xu hướng giảm điểm vẫn đang áp đảo.
Chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương từ Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, phiên cuối tuần (13/5), VN-Index đã có phản ứng tại vùng đáy trước đó là ngưỡng 1.260 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán xuống cùng với sự "dè dặt" của nhà đầu tư khi giá cổ phiếu tăng đã tiếp tục kéo VN-Index giảm sâu hơn, đặc biệt là trong 2 phiên cuối tuần với mức giảm lên đến gần 120 điểm. Vì vậy, xu hướng giảm điểm đang áp đảo.
Các chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, đã rất lâu, khoảng hơn 10 năm trước (giai đoạn cuối năm 2011), thị trường mới lại có nhịp giảm sáu tuần liên tiếp. Với nhịp giảm này, VN-Index đã "bay" mất hơn 22% giá trị vốn hóa toàn thị trường, chỉ số VN30 cũng giảm hơn 21% số điểm trong 6 tuần qua.
Sau 6 tuần giảm liên tiếp thì định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn với P/E (hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại) của VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Nếu tính theo P/E Forward (P/E kỳ vọng) cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.
Bên cạnh đó, nếu xét trên góc nhìn về phân tích kỹ thuật thì thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index dường như đang gần mục tiêu của sóng điều chỉnh theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm.
Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tiêu cực hơn thì VN-Index vẫn có thể lùi về những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn, mà gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm.
Theo giới phân tích, hiếm khi nào nhà đầu tư chịu quá nhiều áp lực như hiện nay
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 16 - 20/5, bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng mục tiêu của sóng điều chỉnh và cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau 6 tuần giảm liên tiếp.
Với việc kết hợp giữa định giá thị trường và góc nhìn kỹ thuật, SHS cho rằng vùng 1.000-1.200 điểm, tương ứng với P/E VN-Index trong khoảng 11-13 lần sẽ là vùng hấp dẫn để giải ngân cho tầm nhìn dài hạn.
Theo giới phân tích, hiếm khi nào nhà đầu tư chịu quá nhiều áp lực như hiện nay khi mà ở thế giới chúng ta có thông tin Cụ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, chính sách "zero COVID-19" của Trung Quốc và lạm phát có dấu hiệu tăng. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp khá khả quan nhưng cổ phiếu vẫn liên tiếp giảm sàn.
Trong chương trình tiêu điểm cuối tuần với chủ đề "điềm tĩnh" do Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết rất đồng cảm và chia sẻ với nhà đầu tư, những người đã trải qua thua lỗ trong thời gian vừa qua.
Tại thời điểm này chúng ta có lẽ rất ngạc nhiên vì những mã cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, nền tảng doanh nghiệp tốt, thậm chí có những công ty kinh doanh rất ổn định, trả cổ tức cao như các công ty sản xuất kinh doanh điện, nhưng cổ phiếu vẫn có xu hướng giảm mạnh, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, áp lực về vay nợ trong thời gian vừa qua cũng khiến cho một số nhà đầu tư quan ngại và những nhà đầu tư kỷ luật sẽ phải giảm margin (vay giao dịch ký quỹ).
"Tôi đã chia sẻ nhiều lần rằng nhà đầu tư nào đang "căng cứng" margin thì phải giảm đi để chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn này", ông Tuấn nói.
Thực tế, thời điểm này các yếu tố về giá trị doanh nghiệp, cũng như yếu tố kỹ thuật rất khó để hỗ trợ cho chỉ số VN-Index. Thị trường giảm mạnh cũng không phải là do yếu tố tâm lý. Có thể thấy rằng các phiên buổi sáng tâm lý thị trường rất bình ổn, cũng không có bán tháo, nhưng đến thời điểm buổi chiều thì áp lực bán tháo tăng lên rất mạnh, chủ yếu đây là các nhà đầu tư đang chịu áp lực về margin buộc phải bán cổ phiếu, vì họ chờ mãi thị trường không có nhịp hồi để cơ cấu lại danh mục.
Cho nên thị trường chỉ có thể ổn định trở lại nếu áp lực margin giảm đi. Có thể phải đợi thời gian tới, khi các cơ quan chức năng tổng hợp số liệu thì chúng ta mới biết hiện tại như thế nào, ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Tuấn cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên tin tưởng và đầu tư lâu dài vào những công ty khi đã có hiểu biết rõ về triển vọng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu vốn đầu tư theo hướng chắc chắn để trải qua giai đoạn khó khăn này.
Những công ty tốt sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh và tạo đáy thì sẽ rất nhanh chóng bật tăng trở lại. Tuy nhiên, những công ty yếu kém cổ phiếu sẽ rất khó hoặc sẽ không bao giờ về được mức giá cũ.
Ông Tuấn cho rằng, thị trường những lúc khó khăn thì quan trọng nhất là nhà đầu tư phải "điềm tĩnh" và "bền gan vững chí". Thực tế sau những đợt giảm mạnh thị trường thường tăng trở lại và vươn lên tầm cao mới.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường MBS cho rằng, VN-Index đã giảm khoảng 20%, nhưng đã có rất nhiều cổ phiếu trong VN-Index giảm từ 50% trở lên. Ví dụ như nhóm chứng khoán có tới 80% cổ phiếu giảm từ 50% trở lên. Nếu tham chiếu vào thị trường mức giảm khoảng 20% của VN-Index thì không phản ánh hết được mức giảm của cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm trong danh mục. Tức là danh mục của nhà đầu tư giảm nhiều hơn so với thị trường.
"Trong đầu tư chứng khoán, việc khó nhất là phải "sống lâu", vì xu hướng dài hạn thì chứng khoán sẽ vẫn đi lên", ông Hưng nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo