Cơ hội mới cho da giày tăng tốc
7 đề xuất đẩy mạnh 'xuất khẩu' công nghiệp xây dựng / Cơ cấu thị trường xuất khẩu 2019 đáng lo ngại
Tại buổi tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu (XK) năm 2019 mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết trong năm 2019, tổng kim ngạch XK đạt 22 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2018, chiếm 8,4% tổng kim ngạch XK của cả nước. XK da giày đứng thứ 4 trong số các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động trong ngành.
Doanh nghiệp nội vươn lên
Bộ Công Thương nhận định việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA EU-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy XK đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Tính chung năm 2019, hoạt động XK của ngành da giày Việt Nam tăng trưởng ổn định, duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Top 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82% tổng kim ngạch XK giày dép của Việt Nam là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ước tính cả năm 2019, ngành về đích với mục tiêu XK đạt 22 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2018.
Với kết quả khả quan và những tín hiệu tích cực này, năm 2020, Lefaso dự báo nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm da giày tại các thị trường XK chính của Việt Nam tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2020, nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung, giữa Mỹ với các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi. Các đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA, thay thế cho sự sụt giảm XK của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Lefaso nhìn nhận tổng thể bức tranh của ngành chưa có sự thay đổi nhiều, khi các doanh nghiệp (DN) FDI vẫn là trụ cột XK chính yếu. 11 tháng năm 2019, các DN FDI đã XK 15,1 tỷ USD giày dép và túi xách, chiếm tỷ trọng 75,8%, trong đó có 12,56 tỷ USD giày dép và 2,45 tỷ USD túi xách.
Như vậy, so với 2 năm trước, tỷ trọng XK của DN trong nước đã có sự cải thiện nhẹ, chiếm 23,5% về giày dép và 24,2% về túi xách tổng kim ngạch XK toàn ngành.
“Khoảng cách của DN FDI và trong nước đã dần thu hẹp, XK của khối DN trong nước tăng. Đây là tín hiệu tốt, khẳng định sự phục hồi của các DN da giày trong nước”, bà Xuân cho hay.
Hiện nay, nhiều DN trong nước đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài như: VINA Giầy, T&T, Biti’s, Bita’s, Asia Shoes, Giầy Hồng Thạnh…
Mục tiêu 24 tỷ USD có khả thi?
Theo giới phân tích, cơ hội XK của ngành da giày Việt Nam còn rất lớn, trong năm 2020 tiếp tục tăng trưởng ổn định, với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cơ hội mở rộng thị trường và tăng sức cạnh tranh của các DN trong ngành tiếp tục có nhiều thuận lợi, đặc biệt là giá nguyên vật liệu ổn định, không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tại thị trường XK lớn là Mỹ đã dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép XK từ Trung Quốc và Ấn Độ, tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép XK của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao, nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ nước này sang Việt Nam.
Lefaso dự báo năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình của ngành da giày tăng khoảng 11%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm 60%, kim ngạch XK đạt 24 tỷ USD, giữ vững tốc độ tăng trưởng 10% so với năm 2019.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, quy mô và tăng trưởng đi cùng với các thách thức về phụ thuộc nguồn nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ và áp lực đổi mới công nghệ.
Hiện nay, hơn 80% nguồn phụ liệu phải nhập khẩu, thiếu chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; thiếu quy hoạch phát triển ngành theo cụm liên kết và chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, chưa phát triển được thương hiệu mạnh và đội ngũ thiết kế trong nước; thiếu các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và R&D cho ngành.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định để giữ vững được tốc độ phát triển của ngành, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, sát cánh cùng DN, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035 để tiếp tục đưa ngành da giày trở thành mũi nhọn trong sản xuất và XK.
Bước sang năm 2020, ông Hưng cho rằng tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, DN da giày cần lưu tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, tuy mang lại nhiều cơ hội cho DN nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức.
Do đó, theo ông Hưng, các DN cần phải tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chủ động hơn trong việc phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lefaso tiếp tục làm cầu nối tích cực giữa Chính phủ với DN, DN với DN; tham mưu tích cực cho Chính phủ trong việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến ngành da giày và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035…
Ông Chris Helzer -Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ) Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và XK, khi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng nguồn lao động của Việt Nam đã góp phần làm nên thành công của Tập đoàn. Ông John Hooker -Giám đốc điều hành SATRA Technology
Chúng tôi luôn cẩn trọng khi tìm kiếm cơ hội tại một thị trường mới, gần 30 năm qua, Trung Quốc là đất nước châu Á duy nhất chúng tôi đặt nhà máy, nhưng bây giờ có lẽ là thời điểm để chúng tôi mở văn phòng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các DN chú trọng vào công nghệ nhiều hơn sẽ có nhiều cơ hội để tăng vị thế trong quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài hơn là một đơn vị chỉ cung cấp dịch vụ gia công. Ông Trương Thanh Hoài -Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các FTA. Tuy nhiên, có thể tận dụng được hay không, ngành da giày, túi xách cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải hiện nay và nổi cộm trong đó chính là vấn đề thương hiệu. Bởi hiện tại, ngành da giày Việt vẫn nằm trong chuỗi gia công, DN chưa XK sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025