Con nợ tự tử: Do buông lỏng quản lý dịch vụ tài chính tín chấp và thu hồi nợ
FE Credit liên tục dính tai tiếng vì đòi nợ kiểu xã hội đen / Yêu cầu VPBank và 3 công ty tài chính FE CREDIT, HD SAISON, Shinhan Việt Nam báo cáo sau vụ con nợ tự tử
Mấy ngày qua, dư luận rúng động sau khi báo chí phản ảnh việc anh Lê Thành Tâm (phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) tự tử vì bị xã hội đen đòi nợ. Ngày 29/6/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP, đã yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin báo chí đã nêu; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020. Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản yêu cầu VPBank và 3 công ty tài chính FE CREDIT, HD SAISON, Shinhan Việt Nam phải rà soát toàn bộ các quy định nội bộ của FE CREDIT về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ nợ, bán nợ. Báo cáo về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/07/2020.
FE Credit có vô can khi đẩy trách nhiệm sang cho đối tác thu hồi nợ?
Sau nhiều ngày im lặng, chiều 29/6/2020, FE Credit đã phát đi một thông cáo báo chí cho biết anh Tâm hiện có hai khoản nợ quá hạn 257 ngày và 347 ngày với tổng dư nợ 51 triệu đồng tại FE Credit. Theo quy định của FE Credit, các khoản nợ quá hạn trên 180 ngày sẽ được chuyển cho đối tác thực hiện thu hồi nợ. Vì thế, FE Credit đã chuyển hai khoản nợ quá hạn của anh Tâm cho hai Đối tác để thực hiện thu nợ và khẳng định những người đến thu nợ không phải nhân viên của mình. FE Credit cũng cho rằng các Đối tác được họ chuyển giao thực hiện thu hồi nợ đều “được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép”. FE Credit còn cho biết họ có hệ thống Văn bản nội bộ, thường xuyên kiểm tra, “có chế tài nặng với các đối tác vi phạm quy định của FE Credit nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật”. Tuy nhiên, thông cáo của FE Credit không cho biết đối tác thu hồi nợ của mình là công ty nào?
Không chỉ mình FE Credit liên quan đến sự việc
Ngoài việc cung cấp thông tin nhằm chứng minh sự vô can của mình, thông cáo báo chí của FE Credit còn cho biết anh Tâm đang có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng. Thông tin này đã được đại diện Ngân hàng Nhà nước xác nhận vào chiều ngày 29/6/2020. Theo đó, qua tra cứu thông tin khách hàng tại Trung Tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), ngoài FE Credit, anh Tâm còn đang vay nợ tại một số công ty tài chính khác như HD Saison, Shinhan Việt Nam.
HD SAISON cũng có một khoản nợ quá hạn mà anh Lê Thành Tâm vay.
Nhìn chung, sau sự việc đau lòng của anh Tâm đã cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước đối với hoạt động của các công ty cho vay tín dụng tiêu dùng và công ty kinh doanh dịch vụ thu nợ trong thời gian qua.
Thứ nhất, làm thế nào mà một người không có thu nhập ổn định, ai thuê gì làm nấy, từ nhổ đinh ở công trường đến khuân vác, phụ việc ở hàng cơm… lại có thể tiếp cận được khoản vay 40 triệu đồng ở FE Credit và có dư nợ tín dụng 83 triệu ở 3 công ty tài chính khác? Với một người có vết nợ xấu thì sẽ khó lòng được các ngân hàng xét duyệt cho vay, nhưng lại có thể dễ dàng vay tín chấp ở các công ty tài chính.
Trước khi duyệt cho vay FE Credit, Công ty tài chính TNHH HD SAISON, Công ty tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam đều có thể dễ dàng kiểm tra được thông tin khách hàng thông qua CIC khi xét duyệt cho vay, nhưng các công ty này vẫn chấp nhập cho vay khi anh Tâm có nợ xấu. Việc buông lỏng khâu xét duyệt cho vay của các công ty nói trên đã dẫn tới việc anh Tâm có dư nợ tín dụng 51 triệu đồng ở FE Credit và 83 triệu đồng ở các công ty tài chính khác. Như vậy, các công ty này sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc buông lỏng khâu xét duyệt cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có một phần trách nhiệm do buông lỏng quản lý, giám sát đối với các công ty tài chính và loại hình cho vay tiêu dùng trong suốt thời gian qua.
Thứ hai, sự buông lỏng quản lý nhà nước đối với việc cấp phép và giám sát hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Hệ quả của nó là xuất hiện “xã hội đen” núp bóng công ty, công khai hoạt động và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội thời gian qua. Hiện nay, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề này, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Việc xóa bỏ kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê cũng sẽ buộc các công ty tài chính cho vay tiêu dùng phải thận trọng hơn khi xét duyệt cho vay. Họ sẽ không thể vô trách nhiệm cho vay dưới chuẩn, tạo ra nợ xấu và đẩy việc thu hồi nợ xấu cho Đối tác. Trong vụ việc lần này, chính nhờ việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được xem là hợp pháp, FE Credit đã dễ dàng đẩy toàn bộ trách nhiệm sang phía khách hàng và các công ty thu nợ.
Đầu tiên, các công ty tài chính đẩy trách nhiệm cho khách hàng vì khi ký Hợp đồng tín dụng với FE Credit, khách hàng đã chấp nhận quy định của FE Credit về việc chuyển giao nợ xấu (quá hạn trên 180 ngày) cho các Đối tác thực hiện thu hồi nợ.
Thêm vào đó, với lý do các công ty được FE Credit xem là Đối tác hỗ trợ thu nợ xấu đều có giấy tờ hợp pháp trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ; người đi thu hồi nợ xấu không phải nhân viên của FE Credit; bản thân họ có một bộ văn bản để giám sát, chế tài với đối tác. Với các văn bản này, FE Credit có thể rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm với hoạt động thu nợ do bên thứ ba thực hiện, khi có sự cố đáng tiếc xảy ra. Như vậy, chỉ khi không thể đẩy nợ xấu cho bên thứ ba thu hộ (khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm kinh doanh), FE Credit (và các công ty tài chính khác) mới thận trọng hơn trong xét duyệt cho vay (nhằm tránh phải tự đi thu hồi nợ xấu).
End of content
Không có tin nào tiếp theo