Thị trường

Cửa khẩu Móng Cái sẵn sàng kịch bản sớm thông quan trở lại, đáp ứng yêu cầu phòng dịch Covid-19

DNVN - Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Cửa khẩu quốc tế Móng Cái có thể thông quan trở lại. Thành phố Móng Cái đã làm việc với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) bàn các biện pháp, kế hoạch để thông quan trở lại tại cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái-Đông Hưng.

Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do lịch sử với Việt Nam / Đồng Tháp: Thanh niên kiếm hàng trăm triệu từ điêu khắc củ đinh lăng

Theo nguồn tin từ chinhphu.vn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới được diễn ra bình thường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, đến nay thành phố Móng Cái đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Cửa khẩu quốc tế Móng Cái có thể thông quan trở lại.

Theo đó, khi cửa khẩu được thông quan trở lại, các phương tiện chở hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại sẽ được phun khử trùng trước khi nhập cảnh bằng hệ thống tự động. Bố trí đội ngũ lái xe riêng được kiểm tra y tế và trang bị đầy đủ bảo hộ phòng dịch để đảm nhận vai trò trung chuyển. Công nhân bốc xếp hàng hóa được quản lý chặt chẽ, cách ly và trang bị bảo hộ phòng dịch.

Trước đó, thành phố Móng Cái đã làm việc với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) bàn các biện pháp, kế hoạch để thông quan trở lại tại cặp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái-Đông Hưng, hai bên sẽ sớm thống nhất thời gian thông quan.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị thông quan tại cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị thông quan tại cầu Bắc Luân II, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Ngoài ra, thành phố Móng Cái chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn; tìm giải pháp nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa để giảm thời gian lưu trú của lái xe Trung Quốc tại Việt Nam; nắm bắt tình hình thị trường để có phương án kết nối doanh nghiệp trong nước; chuẩn bị sẵn nguồn hàng xuất khẩu ngay sau khi cửa khẩu được thông quan.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Thành phố đã tổng kiểm tra, khám sức khỏe, sàng lọc dịch bệnh, lập hồ sơ điện tử theo dõi sức khỏe cho người dân; phun khử trùng tiêu độc trên toàn thành phố; đầu tư, trang bị bố trí các khu cách ly tập trung; nghiêm túc thực hiện cách ly đối với công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh… Đặc biệt về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, Móng Cái đã tạm thời đóng cửa các đường mòn, lối mở biên giới.

Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch và chuẩn bị thông quan hàng hóa tại Móng Cái vào chiều 12/2/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết định không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, vì vậy, việc khẩn trương đưa các cửa khẩu thông quan trở lại là yêu cầu cần thiết.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục quan tâm, chú trọng công tác kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu, khẩn trương bổ sung trang thiết bị phòng dịch. Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực bốc xếp hàng hóa, để giảm thời gian lưu trú của lái xe Trung Quốc tại Việt Nam; tìm hiểu, nắm bắt tình hình thị trường để có phương án kết nối doanh nghiệp trong nước, chuẩn bị sẵn nguồn hàng, xuất ngay sau khi cửa khẩu được thông quan.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 lúc 7h ngày 13/2/2020 tại Quảng Ninh: 123/123 ca xét nghiệm âm tính, không có ca nào chờ kết quả. Thông tin từ Sở Y tế Quảng Ninh, tính đến 7h00, ngày 12/2/2020, tổng số ca giám sát (được sàng lọc để làm xét nghiệm Covid-19) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến thời điểm là 123 ca. Quảng Ninh chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tại Quảng Ninh hiện có 691 trường hợp phải cách ly, trong đó: Cách ly tại cơ sở y tế: 44 ca; đã ra viện, hết cách ly là 100 ca. Cách ly ngoài cơ sở y tế: 647 ca; số người hết cách ly: 150 ca.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12/2/2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, ông đã nhận được bức thư của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, vào thời điểm này, dựa trên nghiên cứu của Hội đồng, các thị trường du lịch đường dài vẫn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Hội đồng đánh giá cao quyết định của Thủ tướng về việc tiếp tục mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch để không làm tê liệt thị trường du lịch quốc tế. Từ thông tin phản hồi trong nội bộ ngành rằng du lịch đường dài bị ảnh hưởng ít, Hội đồng kiến nghị biện pháp trước mắt nên được xem xét để làm tăng lượng du khách đến từ các thị trường là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.

Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động gì. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.

Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistic… Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội.

Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm