Hàng Việt 'đi cao tốc' vào EU
Đồng Tháp: Nuôi "ruồi lính đen", thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng / Kinh doanh trong bối cảnh Covid-19
Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu, thì việc EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, lại mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.
Cơ hội vàng nâng cấp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi EVFTA được thực thi trong năm đầu tiên, EU sẽ giảm 85% dòng thuế với hàng hóa Việt Nam. Sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm.
Đây là cơ hội rất quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các mặt hàng Việt Nam gặp khó khăn về thị trường khi xảy ra dịch virus corona. Đặc biệt, các mặt hàng như nông sản, da giày, dệt may… đang gặp khó khăn.
Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, châu Âu là thị trường rất lớn với quy mô 18.000 tỷ USD. Khi được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có thể vào được thị trường EU một cách dễ dàng.
Theo Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tác động kép của COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...
Theo ông Lộc, lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được: Ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ, mà với Hoa Kỳ thì chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.
"Rượu vang Pháp, Ý rồi sẽ quen thuộc hơn trong bữa ăn của người dân Việt và tôm Việt Nam sẽ nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình các nước EU", ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng cho rằng ăn theo dòng chảy thương mại là dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cấp các mắt khâu “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên…
Nhà nước cần nỗ lực cải cách thể chế
Cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi.
Hơn nữa, muốn trở thành chủ nhân của "ngôi nhà" EVFTA, Chủ tịch VCCI cho rằng trước hết các DN phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Cùng với đó, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.
Bên cạnh đó, với vai trò của nhà nước, ông Lộc kiến nghị, cộng đồng DN cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Doanh nghiệp chuẩn bị về tâm thế, về nguồn lực. Nhà nước, bên cạnh việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp về Hiệp định, thì việc chuẩn bị về thể chế là quan trọng nhất. Để nâng cao năng lực thể chế chuẩn bị cho hội nhập không chỉ có việc cải cách để “nội luật hóa” bảo đảm tuân thủ các cam kết mà còn phải cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
"Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom… Tất cả những con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc. Thể chế nào thì doanh nghiệp đó”, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là đôi chân ngàn dặm để nền kinh tế Việt Nam có thể đi tới thành công", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về Hiệp định EVFTA nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định trên trang web evfta.moit.gov.vn. Bên cạnh đó, trang web này cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn Hiệp định, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU.
Theo Bộ Công Thương, Chính phủ hiện đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD. Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD) Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD), Ba Lan (1,50 tỷ USD) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD).
Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo