Đắk Nông: Kỹ sư công nghệ viễn thông bỏ phố thị về buôn làng lập nghiệp với mô hình nuôi dê bền vững
Từng nỗ lực, làm thuê đủ thứ nghề để nuôi con chữ, thoát cảnh làm nông nghiệp, nhưng khi đạt được ước mơ rồi, kỹ sư công nghệ viễn thông Y Knáp quyết định bỏ phố thị về buôn làng lập nghiệp với mô hình nuôi dê bền vững.
Dòng tiền kinh doanh gặp khó, loạt ngân hàng là "chủ nợ" của Đất Xanh / Xuất khẩu rau quả giảm mạnh do tác động của COVID-19
Kỹ sư Y Knáp bên đàn dê của mình
Anh Y Knáp (SN 1989, người M’Nông) sinh ra, lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Gia đình đông con, lại nghèo khó, anh chị em Y Knáp lần lượt bỏ học, riêng anh yêu cái chữ nên nỗ lực bám trường. Những năm học cấp 2, Y Knáp một buổi lên lớp, buổi làm thuê kiếm tiền ăn học. Bao năm làm thuê nuôi chữ, cánh cửa đại học cũng mở ra khi anh đậu ngành Công nghệ Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Để có đủ 1,5 triệu đồng nhập học, Y Knáp đã chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Rời buôn làng xuống thành phố học tập, Y Knáp phải làm thêm đủ nghề kiếm tiền trọ học.
Đến năm thứ 3, sự học của anh bị gián đoạn khi không gom đủ tiền mua chiếc máy tính đầy đủ công năng phục vụ việc học. Buồn chán, anh bỏ về quê. Một tuần lang thang khắp buôn làng, anh suy nghĩ nhiều về ước mơ của mình. “Mình từng cố gắng rất nhiều để theo đuổi con chữ, với hy vọng sẽ thoát cảnh nương rẫy lam lũ. Nay ước mơ chưa trọn, mình không thể buông bỏ. Với lại, bọn trẻ trong buôn làng xem mình là tấm gương truyền cảm hứng học tập”, Y Knáp kể về những trăn trở của mình. Nghĩ thông, Y Knáp khoác ba lô quay lại giảng đường, vừa đi học, vừa đi phụ hồ trang trải chi phí học tập. Sau bao năm cố gắng, Y Knáp tốt nghiệp đại học, cầm trên tay tấm bằng kỹ sư công nghệ và được nhận vào làm việc cho một công ty viễn thông tại TPHCM.
Cứ tưởng cuộc đời Y Knáp sẽ gắn bó dài lâu với phố thị nhưng khi phải lòng một cô gái Ê Đê, anh đã theo nàng về buôn Ea Mroh, xã Ea Mroh, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Tại vùng đất mới, Y Knáp vừa làm cho công ty viễn thông, vừa nuôi thêm vài con dê để thỏa thú vui. Một thời gian sau, nhận thấy niềm đam mê lớn với nghề nuôi dê, Y Knáp quyết định bỏ công việc của một kỹ sư viễn thông, về lại buôn làng lập nghiệp với nghề nuôi dê. Nhờ bố mẹ vợ vay giúp 46 triệu đồng, anh mua 16 con dê giống Bình Thuận bắt đầu lập nghiệp.
Y Knáp cũng cho biết, khi nghe tin anh nghỉ việc về nhà nuôi dê, bố mẹ ruột anh phản ứng dữ lắm. Về sau thấy Knáp có cuộc sống tự do, vui vẻ với việc chăn dê, bố mẹ mới bớt lo lắng.
Y Knáp ấp ủ dự án nuôi dê bền vững. Theo đó, anh sẽ tận dụng phân dê để nuôi trùn quế làm phân bón cỏ cây trong vườn. Khi đàn dê lên tới 50-70 con được nuôi theo hướng tự nhiên khép kín, anh sẽ tự mở cửa hàng chuyên cung cấp thịt dê tươi sạch. Cái khó anh gặp hiện nay là tiếp cận vốn vay để đầu tư mở rộng chuồng trại, con giống
Y Knáp ấp ủ dự án nuôi dê bền vững. Theo đó, anh sẽ tận dụng phân dê để nuôi trùn quế làm phân bón cỏ cây trong vườn. Khi đàn dê lên tới 50-70 con được nuôi theo hướng tự nhiên khép kín, anh sẽ tự mở cửa hàng chuyên cung cấp thịt dê tươi sạch. Cái khó anh gặp hiện nay là tiếp cận vốn vay để đầu tư mở rộng chuồng trại, con giống
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo