Thị trường

Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết

Đàn lợn, đàn gia cầm, gia súc đang giữ được nhịp tăng trưởng, nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm nay.

Bệnh viện công lập đầu tiên ở Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn JCI của Mỹ về chương trình PRIME / Xử lý ra sao khi chuyển tiền nhầm số tài khoản?

Nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm, dự báo tăng từ 10 - 20%. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi dè dặt tái đàn vì nguy cơ thua lỗ,nguồn cungthịt cho Tết có đảm bảo?

Năm 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá tập trung trong một giai đoạn ngắn. Trong đó nguồn cung thịt được quan tâm hàng đầu.

Theo tính toán, thịt lợn chiếm khoảng 70% tỷ trọng sản phẩm thịt. Dự báo vào dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường tăng từ 10 - 15% với số lượng vào khoảng từ 360.000 - 370.000 tấn/tháng.

Hiện giá lợn hơi đang dao động quanh mức 50.000 - 55.000 đồng/kg, mức giá này không mấy khuyến khích người nuôi, nên hiện các trang trại đang có những giải pháp để đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết.

Hơn 2,8 triệu con lợn đáp ứng thị trường Tết

Chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhưng nhà ông Chung ở Sóc Sơn cũng luôn duy trì tổng đàn khoảng 1.000 con lợn thịt. Nhờ tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh nên tổng đàn lợn của ông không bị hao hụt.

Ông Chung cho biết, từ tháng 9, giá lợn hơi bắt đầu xuống thấp, sức mua chậm nên ông chuẩn bị nguồn cung cho thị trường trước và sau Tết chỉ bằng mức năm ngoái.

"Từ nay đến Tết, gia đình dự kiến xuất bán ra thị trường khoảng 800 con, tức là khoảng hơn 90 tấn", ông Ngô Văn Chung, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, chia sẻ.

Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết - Ảnh 1.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết sẽ tăng lên; trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Chăn nuôi theo quy mô lớn, theo chuỗi, Hợp tác xã Hoàng Long luôn đảm bảo cung cấp ra thị trường lượng lớn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt.

Đại diện hợp tác xã cho biết, nếu dịp Tết năm ngoái chuẩn bị lượng lợn gấp đôi tháng thường thì nhìn vào nguồn cung cũng như sức mua, dịp Tết năm nay, hợp tác xã cung cấp ra thị trường sản lượng thịt ít hơn.

"Những tháng bình thường trong năm, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 70 - 80 tấn thịt lợn hơi. Với những ngày Tết, chúng tôi bao giờ cũng theo một chuỗi, tăng từ 25 - 30%", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai, Hà Nội, cho biết.

Hiện tại, giá lợn hơi đang ở mức thấp, tuy nhiên theo nhận định của các chủ trang trại, từ nay đến cuối năm, giá các sản phẩm chăn nuôi sẽ giữ ở mức khá ổn định.

Đảm bảo nguồn cung gia cầm dịp Tết

 

Cùng với thịt lợn, nhu cầu tiêu thụ gia cầm cũng sẽ tăng. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiêu thụ khoảng 160.000 tấn gia cầm, nhưng riêng tháng Tết dự báo khoảng 195.000 tấn, trong đó hơn 2/3 là thịt gà. Thời điểm này, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như bà con nông dân đã tăng tốc sản xuất.

Nhà ông Thư ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn có 5 trại gà và vịt. Do có số lượng chuồng nhiều nên phương thức chăn nuôi của ông là luân phiên, cứ xuất chuồng hết đàn này, ông khử trùng và vào đàn mới.

Ông Thư cho biết, để chuẩn bị nguồn cung cho Tết, ông đã vào đàn gà mới từ tháng 9; vịt ông vào đàn từ giữa tháng 11.

"Dự kiến đến Tết xuất bán 4.000 con từ thủy cầm đến gia cầm. Gà khoảng 1.500 con. Tháng Giêng, 2, 3 lại vào đàn 1.500 con nữa", ông Nguyễn Viết Thư, thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, cho hay.

So với thời điểm tháng 5 khi giá gà tăng cao 105.000 - 110.000 đồng/kg, hiện nay, giá gà đã giảm khoảng 20%, xuống quanh mức 90.000 đồng/kg. Theo tính toán của các trang trại, với mức giá này, chăn nuôi gà vẫn đang có lãi. Các trang trại lớn đã vào đàn và sẵn sàng nguồn cung ra thị trường trước, trong và sau Tết.

 

Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm dịp Tết - Ảnh 2.

Dây chuyền chế biến thịt gà tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)

"Trang trại của tôi lúc nào cũng vào 1.000 và xuất ra 1.000. Dịp Tết này, tôi có 6 trại vệ tinh và tính vào 6.000 con gà", bà Nguyễn Thu Thoan, chủ trang trại gà ri vi sinh, Sóc Sơn, Hà Nội, chia sẻ.

Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 530 triệu con.

Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch COVID-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn. Dự kiến đến cuối năm, sản lượng các loại thịt cơ bản như sau:

Thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350.000 tấn/tháng; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 160.000 tấn/tháng; trứng ước khoảng 1,53 tỷ quả/tháng; thịt bò hơi ước đạt 324.000 tấn; sản lượng sữa bò tươi ước đạt gần 786.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Dự kiến năm 2022, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm trên 2 triệu tấn, trứng 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sữa trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%). Ngành chăn nuôi tăng trưởng giá trị sản xuất 5 - 6% so với năm 2021.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân cả nước đang tích cực thúc đẩy sản xuất để có nhiều sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân. Đàn lợn, đàn gia cầm, gia súc đang giữ được nhịp tăng trưởng, nên hoàn toàn có thể bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm nay.

Trước thực tế thu nhập của nhiều người lao động giảm sút, giá cả hàng tiêu dùng tăng do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, việc chuẩn bị nguồn cung thịt ổn định, không tăng giá đột biến là một tin vui cho người tiêu dùng trong dịp Tết này. Niềm vui sẽ trọn vẹn nếu vấn đề an toàn thực phẩm được đảm bảo.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm