Thị trường

Đang giữa ngã ba đường, kinh tế Việt Nam nên chọn lối nào?

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất, dựa trên sự tích lũy cân bằng và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn khác nhau, bao gồm vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn nhân lực, vốn tự nhiên cũng như dựa vào đổi mới sáng tạo.

Việt Nam sẽ tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi trong vòng 5 năm tới / Quốc tế đánh giá cao chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam

Việt Nam đang ở ngã ba đường

Việt Nam được đánh giá là một câu chuyện thành công về phát triển khi trong hai thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình tăng gấp bốn lần và tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2% cùng nhiều nỗ lực vượt bậc để tăng tuổi thọ và tỷ lệ trẻ đến trường.

Những thành tựu phát triển này là kết quả của các chính sách kinh tế và xã hội hiệu quả, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới năm 1986 nhưng các kết quả tích cực cũng được hỗ trợ một phần bởi các xu hướng thuận lợi trong nước và trên thế giới, World Bank (Ngân hàng thế giới) đánh giá trong báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” công bố mới đây.

Việt Nam hưởng lợi từ công nghệ mới trong ngành nông nghiệp, thúc đẩy lao động dịch chuyển sang những công việc có năng suất cao hơn; dân số trẻ gia tăng lực lượng lao động cũng như sự bùng nổ của thương mại toàn cầu.

Giờ đây, những điều kiện thuận lợi có thể biến thành trở ngại như lợi thế dân số giảm dần, tự động hóa và công nghệ đột phá có thể loại bỏ những việc làm hiện nay của nhiều lao động cũng như thương mại toàn cầu sụt giảm.

Sự xuất hiện của đại dịchCovid-19có thể gây ra một cơn địa chấn dù mức độ khủng hoảng về y tế tại Việt Nam không nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm 3 – 5% trong năm 2020 so với dự báo trước khủng hoảng, với áp lực ngày càng tăng lên ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán do nguồn thu thuế, kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn vào đều giảm.

Đại dịch có thể làm suy yếu thêm những nguyên lý cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế khi Covid-19 đang buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và thu hẹp chuỗi cung ứng đa cấp và đa quốc gia đang thống trị sản xuất ngày nay.

Yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển Việt Nam thập kỷ tới
Chuỗi cung ứng đa cấp và đa quốc gia đang dần dịch chuyển và thay đổi, đặc biệt sau sự bùng phát của Covid-19. Ảnh: ILO.

“Việt Nam cần đổi mới mô hình phát triển nếu muốn đáp ứng khát vọng của người dân và Chính phủ”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định, “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay kinh tế Việt Nam đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu. Để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng năng suất phải là giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế thập kỷ tới. Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn”.

Bốn lĩnh vực cần ưu tiên

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị để tiếp tục tăng trưởng trong một môi trường có nhiều biến động, Việt Nam cần tập trung củng cố các tài sản sản xuất với 4 lĩnh vực ưu tiên.

Thứ nhất, doanh nghiệp năng động. Việt Nam cần khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.

 

Thứ hai, cơ sở hạ tầng hiệu quả. Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.

Thứ ba, lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người. Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.

Bên cạnh đó, cần trao nhiều cơ hội hơn nữa cho những người đang đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số, để thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hoá và lực lượng lao động giảm.

Thứ tư, kinh tế xanh. Để phát triển bền vững, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên không tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Chính phủ cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam với mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế thị trường có thu nhập cao trong hai thập kỷ tới.

 

Chiến lược tăng trưởng mới phải thúc đẩy thị trường để đạt phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất thông qua đẩy mạnh cạnh tranh và áp dụng thuế cùng với các công cụ về giá khác để điều chỉnh hành vi thị trường. Việt Nam cần hiện đại hóa thể chế, bao gồm những quy định pháp lý có hiệu lực để tránh phát sinh thêm nhiều hạn chế trong hệ thống hiện nay.

Việt Nam có thể cần phải rà soát các chính sách ưu đãi để áp dụng những chính sách hỗ trợ và đầu tư công có hiệu quả trên cơ sở lợi ích xã hội. Để có thể làm được điều này, các cơ quan, ban ngành các cấp cần có kỹ năng toàn diện và được phân cấp mạnh mẽ hơn.

Do đó, một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển trong tương lai là tăng cường xây dựng năng lực hành chính, bao gồm năng lực quản trị mà hiện nay vẫn chưa hiệu quả tại Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm