Thị trường

Dầu khí mất vai trò “cứu nguy” cho tăng trưởng?!

Trong bối cảnh đóng góp của ngành dầu khí vào tăng trưởng kinh tế đang thu hẹp dần, hoạt động khai thác ngày càng khó khăn, ngành dầu khí có thể tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, giữ vai trò "cứu nguy" cho tăng trưởng hay không?

Ngành Ngân hàng trước áp lực của Chỉ thị 04 về siết tín dụng / Đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm khi xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc

Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho ngành kinh tế chủ lực này để xác định hướng đầu tư đúng đắn trước chặng đường phát triển mới.

Vẫn là động lực dẫn dắt

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giai đoạn trước 2015 hàng năm PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, con số đó đã giảm xuống lần lượt còn 9-11% tổng thu ngân sách và 10-13% GDP.

Mặc dù vậy, đó vẫn là kết quả rất đáng khích lệ của một trong những DNNN hoạt động hiệu quả trong bối cảnh chung. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trong thành tựu trung đó có đóng góp của ngành dầu khí. Những năm gần đây, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng ngành dầu khí vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ trọng đóng góp của ngành có thể giảm nhưng nếu xét dưới góc độ DN thì PVN luôn thuộc nhóm DN có mức đóng góp ngân sách nhà nước hàng năm lớn nhất.

Thiếu dự án năng lượng quy mô lớn để tác động vào tăng trưởng tương lai

TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước. Ngành dầu khí đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như nông nghiệp (phân bón), hóa dầu như nhựa và sản phẩm tiêu dùng chất dẻo, nguyên liệu xuất xứ nội địa cho các ngành dệt may, da giày, các sản phẩm hóa chất… Đặc biệt đây là ngành động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách nhà nước. Ông San nhấn mạnh, vì là ngành kinh tế đặc biệt nên phải có cách ứng xử đặc biệt riêng đối với dầu khí.

Tuy nhiên, trước giai đoạn phát triển mới, với các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, đã có sự thay đổi trong tư duy sử dụng năng lượng hiệu quả, chất lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2. Điều này cũng đặt ra vấn đề liệu ngành dầu khí có còn giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế hay không.

Gỡ nút thắt từ luật

Trả lời cho câu hỏi trên, TS. Ngô Thường San cho biết, đúng là dầu khí sẽ cạn kiệt dần, hết vai trò lịch sử và cần được thay thế. Song để phát triển nguồn năng lượng mới thường kéo dài nhiều thập kỷ và sự chuyển tiếp này sẽ xảy ra từng bước cùng với sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế của mỗi nước. Do đó, công nghiệp dầu khí vẫn sẽ là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế cho thấy, ngay trong tương lai gần, ngành dầu khí vẫn hứa hẹn là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tháng 7 vừa qua nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động đã mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành công nghiệp và tạo thêm một động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực FDI giảm sản lượng, cho thấy khu vực sản xuất trong nước vẫn đủ khả năng cáng đáng nền kinh tế.

 

Tuy vậy, theo các lãnh đạo của PVN, ngành dầu khí đang đối mặt với nhiều khó khăn và những thành quả hiện nay chủ yếu là “ăn của quá khứ”. Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn, nhưng tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn. Hoạt động tìm kiếm thăm dò trong 8 tháng năm 2018 cũng mới đạt 2 triệu tấn. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm tới, sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành sẽ chỉ còn 1/3 so với hiện nay.

Nguyên nhân là do PVN không có nguồn tài chính và cơ chế tài chính phù hợp, khi gặp phải nút thắt từ các luật hiện hành về quản lý đầu tư, vốn đầu tư của nhà nước, cũng như pháp luật về dầu khí.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nếu tuân thủ các quy trình của Luật Đầu tư công như hiện nay thì một nhiệm kỳ nữa cũng không thể có đủ nguồn tiền cho hoạt động tìm kiếm thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí. Không những vậy, các quy định quá chặt chẽ trong luật cũng đang làm khó các nhà đầu tư nước ngoài và khiến ngành dầu khí gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn ngoại. Thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra 45 tỷ USD cho công tác tìm kiếm, thăm dò tại Việt Nam, nhưng chỉ mới mang về nước họ 21 tỷ USD.

Trước các khó khăn của ngành dầu khí hiện nay, PVN đề xuất, trước mắt Quốc hội cần sớm sửa đổi Luật Dầu khí, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… để có quy định thống nhất giữa các văn bản này nhằm đảm bảo cơ chế tài chính cho PVN hoạt động. Bên cạnh đó, cần sửa đổi cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thông qua việc thay đổi hợp đồng phân chia sản phẩm phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam.

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo