Điện thoại, linh kiện vững vàng vị trí số 1 trong nhóm xuất khẩu chủ lực
DNVN - Trong số 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhu cầu lựa chọn bảo hiểm đi kèm trong các giao dịch bất động sản ngày càng tăng mạnh / Sếp Phúc Thanh Audio: Người tiêu dùng miền Bắc có xu hướng tin tưởng các thương hiệu đã ăn sâu vào tâm trí
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học… Trong những năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã vươn lên trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2013.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong thời gian 4 năm từ 2010 đến 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 9,2 lần, đưa nhóm hàng này chính thức trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất và duy trì vị trí này liên tục từ 2013 đến nay.
Năm 2013, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 17,9 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 57,5 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện 11 tháng năm 2022 đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng năm 2022, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện của các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8%.
Theo Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân do đó cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp. Hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cũng như thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Cột tin quảng cáo