Định hướng phục hồi sau đại dịch: Kinh tế tuần hoàn là giải pháp vẹn toàn
10 lưu ý quan trọng khi mua quạt tích điện chống nóng mùa hè / Đánh thức nhu cầu nội địa hậu Covid-19
Chính sách phục hồi kinh tế liệu có bỏ qua những tác động đến môi trường?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF đã bày tỏ lo ngại rằng những mục tiêu bền vững dường như đang mất dần sự quan tâm của chính phủ và các tổ chức quốc tế, khi vấn đề phòng ngừa sự lây lan của đại dịch và phục hồi kinh tế đang được đặt lên hàng đầu.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, chỉ có 4% những chính sách được chính phủ các quốc gia G20 ban hành kể từ khi dịch bệnh bùng phát là chính sách “xanh”.
Tất nhiên không thể nói 96% những chính sách còn lại đều đem lại tác động nguy hại đến môi trường, nhưng 4% có lẽ là con số quá ít ỏi đối với các quốc gia phát triển như G20 trong bối cảnh loài người hoàn toàn có thể chứng kiến rõ rệt diễn biến tiêu cực của hệ sinh thái cũng như dấu hiệu về nguy cơ những thảm họa môi trường có thể xảy ra trong tương lai.
Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa cho phục hồi bền vững.
Tương tự, các nước G7 cũng tập trung ban hành nhiều chính sách hướng tới tăng trưởng kinh tế nhưng cũng rất ít hoặc không có phối hợp rõ ràng với những mục tiêu bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, các quốc gia không hẳn là chấp nhận lựa chọn mục tiêu tăng trưởng mà bỏ quên nhữngmục tiêu bền vững. Ủy ban châu Âu mới đây, trước những động thái của các nước thành viên, đã tuyên bố rằng 17 mục tiêu phát triển bền vững sẽ là trọng tâm của kế hoạch phục hồi EU sau đại dịch.
Canada cũng đã nổi lên như một ngôi sao trong tiến trình phục hồi bền vững, thông qua việc gắn các điều khoản liên quan đếnkhí hậuvào những khoản vay từ chính phủ. Bên cạnh đó, New Zealand vừa công bố một cam kết đầu tư gói 1,1 tỷ đô la từ ngân sách công năm 2020 vào việc khôi phục môi trường cũng như tạo ra 11.000 việc làm mới.
Liệu đại dịch có ảnh hưởng tích cực tới môi trường?
Giữa sự u ám đang bao phủ khắp nền kinh tế và xã hội, mọi người thường tỏ ra khá phấn khởi khi nhận được những tin tức tích cực, như việc phát thải nhà kính giảm nhanh chóng.
Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, mức khí thải các bon đã được ghi nhận mức sụt giảm chưa từng thấy, lên đến 8% lượng khí thải toàn cầu.
Tuy nhiên IEA cũng cho biết, mặc dù mức giảm 8% đã vượt quá cả những tính toán tham vọng nhất về tiến trình cắt giảm khí thải, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để ngăn chặn hiệu ứng nhà kính, khi một lượng lớn các chất gây ra hiệu ứng này vẫn còn tích tụ trong bầu khí quyền.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra mục tiêu duy trì nền nhiệt trung bình của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C để ngăn ngừa những thảm họa khủng khiếp có thể xảy đến. Để thực hiện được mục tiêu này, lượng khí thải cần phải được cắt giảm vào mức 50% vào năm 2030. Đây không phải là chuyện dễ dàng khi nhu cầu năng lượng sẽ sớm hồi phục khi các biện pháp cách ly xã hội dần bị gỡ bỏ.
Ngoài câu chuyện về khí thải, rác thải nhựa cũng là một vấn đề nan giải cần được giải quyết. Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp nhựa đã hồi sinh một cách đầy bất ngờ, khi hóa ra loại vật liệu tưởng chừng đang dần bị “ghẻ lạnh” lại phát huy vai trò hữu hiệu trong công tác phòng chống sự lây lan của chủng vi rút mới gây ra bệnh viêm phổi Covid-19.
Thực tế cho thấy, nhiều lệnh cấm hay hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa trên nhiều quốc gia đã bị nới lỏng còn người tiêu dùng thì ngày càng phụ thuộc vào nhựa khi nhu cầu vật liệu này của ngành y tế đột ngột tăng cao hơn bao giờ hết.
Tác động của rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tại thời điểm này, mà còn tạo ra những hệ lụy rất lâu về sau, khi một chiếc túi nilon phải mất tới khoảng 20 năm để phân hủy hoàn toàn trong môi trường nước biển, và con số lên tới 450 năm cho một chiếc chai nhựa.
Những chính sách hạn chế hay cấm sử dụng nhựa khó có thể áp dụng trên phạm vi toàn cầu bởi sự khác biệt trong thể chế chính trị, khung pháp lý hay trình độ phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ. Cho đến khi tìm ra được một thứ vật liệu có thể thay thế hoàn toàn nhựa – về cả hiệu quả sử dụng và chi phí – thì sống chung với nhựa vẫn là không thể tránh khỏi.
Kinh tế tuần hoàn - chìa khóa cho phục hồi bền vững
Vừa qua, tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố: “Một nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta bớt đi sự phụ thuộc và tăng cường khả năng phục hồi.”
Thực tế cho thấy, một phần nguyên nhân khiến nhân loại phải chịu những thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 nằm ở chuỗi cung ứng của một số ngành sản xuất quá phụ thuộc vào nước ngoài. Tuy nhiên, khác với mô hình kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn sử dụng nguyên liệu đầu vào là những rác thải, phế thải từ sản phẩm khác. Như vậy, không chỉ góp phần làm giảm lượng chất thải, kinh tế tuần hoàn còn tạo ra những chuỗi cung ứng ngắn, đa dạng, ít rủi ro hơn mô hình truyền thống.
Đối với vấn đề rác thải nhựa, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đang đặt ra một thách thức lớn hơn khi đa phần lượng tăng của loại rác thải này trong thời Covid-19 đến từ ngành y tế. Những lo ngại về vệ sinh dịch tễ khiến việc tái chế hay tái sử dụng là điều không hề dễ dàng.
Vì vậy, việc đưa mô hình này vào thực tế đòi hỏi tầm nhìn của các doanh nghiệp vượt xa khỏi vấn đề lợi nhuận, hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo thực hiện trách nhiệm đối với xã hội cũng như môi trường, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ.
Về phía chính phủ, cần có những chính sách khuyến khích và ưu đãi pháp lý cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thực hiện các hoạt động tái chế. Với con số 49% lượng rác thải nhựa tìm thấy trong đại dương đến từ các sản phẩm dùng một lần đặt ra trách nhiệm cho không chỉ người tiêu dùng mà còn cả của các chính phủ và doanh nghiệp trong việc định hướng hành vi của họ.
Đầu tư vào giáo dục là một biện pháp “dài hơi” để hạn chế tình trạng trên. Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức, chỉ dẫn về việc tái chế hay tái sử dụng, cần phải giáo dục cho người dân hiểu và đặt bản thân vào vai trò có trách nhiệm với cộng đồng cũng như hành tinh mình đang sinh sống.
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng cần được xây dựng dựa trên nền tảng của việc giảm thiểu sử dụng những nguyên liệu hóa thạch không thể tái tạo cũng như xả thải khí độc ra môi trường. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ năng lượng mới, xây dựng những công trình điện gió, điện mặt trời sẽ là phương pháp vẹn toàn mà các nước có thể tính đến để vừa kích thích kinh tế, giải quyết nhanh tình trạng thất nghiệp, vừa đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Thực tế đã chứng minh chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn là điều tất yếu cho tiến trình phát triển của thế giới. Quá trình chuyển đổi này yêu cầu rất nhiều điều kiện, từ tài chính, công nghệ cho tới ý thức và tính sáng tạo của mỗi cá nhân. Thiệt hại từ đại dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi nhưng con người hoàn toàn có thể ngăn ngừa những thảm họa về khí hậu có thể xảy ra trong tương lai bằng những hành động đúng đắn và kịp thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ