Doanh nghiệp thiếu thông tin về CBAM
Huy động sức mạnh cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính / Net Zero và cơ hội đầu tư mới mang tên “mua bán quyền phát thải – tín chỉ carbon”
Doanh nghiệp còn mơ hồ
CBAM được áp dụng chính thức vào tháng 10/2023 đối với một số sản phẩm xuất khẩu sang EU như xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Mặc dù đã có thông báo từ lâu, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tỏ ra mơ hồ về cơ chế này.
Một trong những nguyên nhân chính là thiếu thông tin chuẩn xác và đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp chỉ biết sơ lược về CBAM mà chưa nắm rõ các yêu cầu chi tiết cũng như lộ trình triển khai.
Theo bà Nguyễn Hồng Loan - chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, những doanh nghiệp trong lĩnh vực chịu tác động trực tiếp đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị. Tuy nhiên, đa số vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác về cơ chế này. Sự thiếu hiểu biết này dẫn đến những phản ứng chưa hiệu quả, làm giảm khả năng ứng phó với CBAM một cách tích cực.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã vội vàng đối phó với CBAM bằng cách mua tín chỉ carbon mà không thông qua các kênh thông tin chính thống. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro tài chính khi các yêu cầu và hướng dẫn của EU về cơ chế giá carbon và bù trừ tín chỉ vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều doanh nghiệp chỉ biết sơ lược về CBAM mà chưa nắm rõ các yêu cầu chi tiết cũng như lộ trình triển khai.
Đồng quan điểm với bà Loan, ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận sớm với vấn đề này, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức về nguồn lực và nhân lực.
Cũng theo ông Tâm, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là sự khác biệt về quy định giữa CBAM của EU và các chính sách liên quan đến phát thải carbon tại Việt Nam. Việt Nam đã có những cơ chế và chính sách về giảm phát thải carbon, nhưng những quy định này không hoàn toàn tương thích với CBAM. Việc tính toán, phạm vi áp dụng và các yêu cầu của CBAM khác biệt so với các quy định hiện hành tại Việt Nam.
“Cần thiết phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và EU trong việc đàm phán và thống nhất phương pháp, cách tính phát thải carbon để tạo ra hướng dẫn chính thức cho doanh nghiệp nước ta”, ông Hoàng Văn Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm cho biết thêm, CBAM yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính và tính toán giá carbon. Tuy nhiên, việc thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu đủ khoa học và có khả năng kiểm chứng là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc không thực hiện được kiểm kê phát thải theo yêu cầu của CBAM có thể khiến các doanh nghiệp này mất cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Ngành thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ CBAM. Theo ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam(VSA), năm 2023, Việt Nam sản xuất khoảng 20 triệu tấn thép thô, trong đó xuất khẩu vào EU chiếm khoảng 27%. Với kim ngạch xuất khẩu lên đến 8,9 tỷ USD, EU là một thị trường quan trọng đối với ngành thép Việt Nam.
"Đây là một thị trường rất lớn và đặc biệt nên với những cơ chế tác động đến sản lượng sản xuất, kinh doanh xuất khẩu, ngành thép buộc phải tham khảo và nghiên cứu rất kỹ", ông Đinh Quốc Thái cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Thái, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực để nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải carbon. Để giữ vững thị phần tại EU, các doanh nghiệp thép cần đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và kiểm soát quá trình phát thải. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước những thách thức từ CBAM, các chuyên gia đều cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp thích ứng.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết, ngày 24/8, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng và thực thi những biện pháp phù hợp nhằm đối phó với cơ chế CBAM.
Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm việc xây dựng các quy định liên quan đến định giá carbon, đồng thời tăng cường việc phổ biến thông tin, hướng dẫn để các doanh nghiệp có cái nhìn chính xác và đầy đủ về CBAM. Bộ cũng đề xuất tổ chức các chương trình tập huấn trực tiếp nhằm giúp doanh nghiệp chuẩn bị và hiểu rõ những quy định về việc tuân thủ cơ chế này.
Ông Khanh nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải carbon là ưu tiên hàng đầu, cùng với thúc đẩy nguồn tài chính xanh sẽ giúp doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang mô hình sản xuất thân thiện hơn với môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tăng cường kết nối với phía EU, yêu cầu cung cấp danh sách các tổ chức tư vấn hợp lệ cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán để lùi thời hạn áp dụng CBAM đối với một số ngành hàng của Việt Nam đến sau năm 2026. Đồng thời, Bộ cũng chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ và đạt được những cam kết linh hoạt hơn, nhằm giúp doanh nghiệp Việt thích ứng hiệu quả với cơ chế CBAM.
Chủ động thay đổi
CBAM không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần tại EU mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường lớn khác. Tuy nhiên, để đạt được điều này, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả nguồn lực và chiến lược.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Loan khuyến nghị, các doanh nghiệp nên bám sát lộ trình thực hiện CBAM của EU và xác định các bước đi phù hợp với điều kiện tài chính và nguồn lực của mình. Việc triển khai kiểm kê phát thải khí nhà kính và xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch, chính xác là điều kiện tiên quyết để đáp ứng các yêu cầu của CBAM và duy trì xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là thay đổi tư duy quản lý và phương thức sản xuất của doanh nghiệp. Để có thể thực hiện lộ trình ứng phó với CBAM một cách hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước mà còn phải chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư vào công nghệ và nhân lực để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về giảm phát thải carbon.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp