Đôi cánh của thương mại điện tử
Thương mại điện tử là ngành "chịu chi" nhất cho hình thức quảng cáo trực tuyến / Tuyên chiến với gian lận thương mại
Theo số liệu từ Cơ quan Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam trực thuộc Bộ Công Thương, doanh thu của ngành thương mại điện tử của nước ta trong năm 2019 đã tăng trưởng 37%, đạt hơn 4 tỷ USD toàn ngành.
Sự phát triển đáng kể này là kết quả của một trận chiến không nảy lửa giữa các thương hiệu thương mại điện tử, với sự giúp đỡ đắc lực từ xu hướng Influencer Marketing.
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2019 bắt đầu với sự rút lui bất ngờ của 3 thương hiệu lớn là Robins, adayroi.com và Lotte.vn. Các ông lớn còn lại lập tức tận dụng thời cơ, đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo cho chính mình, từ đó thay nhau thay đổi thị phần toàn ngành.
Theo số liệu từ Vietnamese Digital Advertising Market Report của Adsota, trong năm 2019, các nhãn hàng thuộc nhóm ngành thương mại điện từ là đơn vị chi nhiều tiền nhất cho quảng cáo digital với 23,9% tổng ngân sách quảng cáo được đổ vào đây.
Con số này có liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến "đốt tiền" của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong cuộc đua sử dụng Influencer Marketing vô cùng bùng nổ trong năm qua.
Influencer Marketing đã có sự phát triển bùng nổ kể từ đầu 2017 đến cuối 2018 với những chiến dịch lan tỏa đầy ấn tượng, khiến nó dần trở thành một trong những chìa khoá không thể thiếu đối với người làm quảng cáo.
Với những bước đệm và sự thành công tiền đề từ những năm trước, các thương hiệu ngày càng chú ý đến lĩnh vực này. Đặc biệt trong năm 2019, các doanh nghiệp TMĐT đã tận dụng thành công Influencer Marketing trong cuộc đua thị phần gay cấn.
Tiki trong năm 2019 đã có bước phát triển đáng kể với lượt truy cập website vượt qua ông lớn Lazada. Góp phần tạo ra sự bùng nổ này phải kể đến sự đóng góp của chiến dịch Influencer Marketing - "Tiki đi cùng sao Việt" dưới hình thức tài trợ và xuất hiện trong các MV ca nhạc của các ca sĩ Việt Nam.
Tính đến nay, với sự xuất hiện dồn dập nhưng vô cùng tự nhiên trong 10 MV ca nhạc nổi tiếng, Tiki đã ghi lại dấu ấn trong trí nhớ của người dùng. Theo báo cáo từ Adsota, lượng truy cập hàng tháng của Tiki lên 27.114.500 lượt trong năm vừa qua, đưa Tiki trở thành thương hiệu có lượt truy cập cao thứ 3 toàn ngành.
Có thể nói đây là nước đi vừa mạo hiểm lại vừa thông minh, cho thấy mức độ chịu chơi của Tiki trong thời điểm nhu cầu thương mại điện tử ngày một tăng cao như này.
Tuy không thực hiện các chiến dịch cụ thể, nhưng Sendo - một ngôi sao mới trong thị trường thương mại điện tử, lại khéo léo lồng ghép Influencer Marketing vào các hoạt động của mình.
Việc kết hợp với những influencer có hình tượng gần gũi và được yêu thích bởi đại đa số giới trẻ như Mỹ Tâm, BB Trần, Ninh Dương Lan Ngọc đã giúp hình ảnh thương hiệu Sendo có chuyển biến rõ rệt. Số lượng người truy cập website tăng lên hạng 2 thay thế cho Lazada, tỷ lệ sử dụng ứng dụng đứng ở vị trí thứ 3 trong năm 2019 trên toàn thị trường Việt Nam. Từ một cái tên mờ nhạt, hiện Sendo đã có chỗ đứng của riêng mình giữa các thương hiệu thương mại điện tử.
Với các chỉ số phát triển cũng như sự thay đổi trong thị phần của năm 2019, không ngoa khi nói Influencer Marketing chính là công cụ chắp cánh cho các nhãn hàng nói riêng và toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam nói chung.
Từ các số liệu nói trên có thể thấy sự thay đổi rõ ràng trong thị phần ngành thương mại điện tử khi không một nhãn hiệu nào giữ nguyên vị trí của mình so với các năm trước.
Các doanh nghiệp với nguồn lực vững mạnh sẵn sàng "đốt tiền" cho các chiến dịch nâng cao hình ảnh thương hiệu, cộng với sự trợ giúp đắc lực từ Influencer Marketing chưa bao giờ hết nguội, đã tạo ra một thị trường cạnh tranh nảy lửa vô cùng đáng kỳ vọng.
Với sự phát triển và xu hướng Influencer Marketing này, 2020 hứa hẹn sẽ tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng để nâng cao thị phần giữa các thương hiệu thương mại điện tử Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo