Đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 10 năm: Áp lực lớn cho các SME Việt Nam
DNVN - Dưới sức ép gia tăng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng bạc xanh đã rơi xuống mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD - tức là mức thấp nhất trong 10 năm. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam.
Tây Ban Nha tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam / Điều tra chống bán phá giá sản phẩm plastic có xuất xứ nước ngoài
Trung Quốc vừa giảm giá đồng nội tệ vừa nâng độ khó về tiêu chuẩn xuất khẩu
Tỷ giá của Trung Quốc hôm 06/8 lần đầu xuống dưới mốc quan trọng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD kể từ giữa năm 2008. Đồng nhân dân tệ mất giá - điều mà Mỹ cho là hành động thao túng tiền tệ - châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên khắp thị trường châu Á. Giới quan sát nhận định rằng, Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ nhằm giảm áp lực cho hàng xuất khẩu trước đòn thuế của Mỹ, từ đó thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ.
Bình luận về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất 10 năm chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và là áp lực lớn đối với các SME Việt Nam.
"Khoảng 70% sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Do vậy, khi đồng nhân dân tệ rớt giá mạnh như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con nông dân và thương lái khi đưa sản phẩm sang thị trường Trung Quốc", ông Mạc Quốc Anh nói.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme.
Theo thống kê: Trong tháng 5/2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 245 triệu USD, giảm 32,7% so với tháng 4/2019 và giảm 4% so với tháng 5/2018; Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
"Những hàng giá rẻ của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh vì hiện nay Trung Quốc ngày càng nâng cao độ khó những yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chí về an toàn thực phẩm", ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Mới đây, Vụ Thị trường Châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã thông báo, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.
"Trong khi Trung Quốc nâng độ khó lên về yêu cầu và tiêu chuẩn xuất khẩu, cùng với việc đồng nhân dân tệ lại giảm giá như hiện nay thì áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn", Phó Chủ tịch Hanoisme nhấn mạnh.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Với những biến động của thị trường đồng nội tệ cùng với chính sách siết chặt nhập khẩu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm thêm thị trường mới, mở thêm các văn phòng đại diện.
"Đặc biệt với các SME nên làm việc trực tiếp với các tham tán thương mại của Việt Nam đóng tại các nước và tham tán thương mại của các nước đóng tại Việt Nam để tìm kiếm thêm bạn hàng và đối tác", ông Mạc Quốc Anh gợi mở.
Ngoài ra, theo ông Mạc Quốc Anh, các cơ quan quản lý và hiệp hội nên tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ để kết nối sản phẩm ra các nước vì những nước không có chiến tranh thương mại vẫn ưu tiên các sản phẩm của Việt Nam. Điều quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam là khi tiếp cận các thị trường như vậy phải tìm hiểu kỹ, chất lượng và giá cả phải ổn định và đảm bảo. Việc để ý đến đến vấn đề thanh toán và thanh khoản với các nước ký kết cũng là điều doanh nghiệp phải quan tâm.
Trong khi đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế nhận định, tác động của sự kiện này đến thương mại hai nước là không đáng quan ngại. Bởi tuy kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lớn nhưng đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, chỉ có một số nhỏ hợp đồng kinh tế giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Theo ông Lực, các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đối ngành nghề kinh doanh của mình, doanh nghiệp mình để có giải pháp cụ thể.
"Chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, về tỷ giá, lãi suất... Đáng chú ý là các công cụ này hiện nay hầu hết các ngân hàng thương mại đều có. Do đó, cần sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với DN để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn", ông Lực nêu.
Trên góc độ vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI
Cột tin quảng cáo