Dự án vay vốn nước ngoài, làm gì để không thiệt?
Tăng tuổi nghỉ hưu: Mối lo vỡ quỹ BHXH, thất nghiệp gia tăng? / Vay vốn kinh doanh bất động sản trên địa bàn nông thôn
Năng lực yếu dẫn tới bị động, phụ thuộc
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt những hạn chế, sai sót trong các dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra có ở tất cả các khâu, bắt đầu từ khâu đầu cho tới khâu cuối cùng của dự án. Điều này, khiến Việt Nam luôn phải nhận thiệt.
Dự án Cát Linh - Hà Đông là điển hình cho tình trạng đội vốn, chậm tiến độ. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp |
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ghi nhận ODA là nguồn lực quan trọng nhưng việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn nhiều yếu kém, đầu tiên phải nói tới tình trạng đội vốn, không hiệu quả tại nhiều dự án ODA. Điểm qua một loạt dự án điển hình như dự án Cát Linh - Hà Đông, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, tăng 9.231,6 tỷ đồng - tương đương 205,27%; Bến Thành - Suối Tiên đội vốn hơn 30.000 tỷ... và nhiều dự án khác. Ông Cường cho rằng nguyên nhân là do năng lực, khả năng thỏa thuận hợp tác và đương nhiên không thể thiếu vắng yếu tố lợi ích khiến nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA của Việt Nam rơi vào thế lệ thuộc và chịu thiệt.
"Năng lực thiết kế dự án còn hạn chế, thường bị dẫn dắt, phụ thuộc vào nhà tài trợ vốn. Cách thức quen thuộc là khi các nhà tài trợ vốn muốn cho vay vốn họ phải vẽ ra những dự án lớn, hay nói cách khác là xây dựng ra nhu cầu sử dụng vốn mà điển hình như với Việt Nam là dự án đường sắt Việt Nam, tàu cao tốc,... cùng với những lời thuyết trình đường mật về một tiềm năng tương lai tốt đẹp.
Trong khi đó, việc Chính phủ đi vay và cấp phát vốn cho các địa phương, khiến địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Tư duy có dự án là có GDP, có dự án là có lợi khiến nhiều doanh nghiệp, địa phương nhắm mắt nhận bừa, miễn sao có được dự án, vay được là có tiền, không chú trọng đến hiệu quả cũng như khả năng trả nợ của dự án.
Kết quả khi nhận dự án, nhiều đơn vị hưởng thụ vốn rơi vào bị động, không kiểm soát được quá trình triển khai, thực hiện dự án dẫn tới những sai sót, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Một bất cập lớn hơn nằm ở các hợp đồng vay vốn ODA song phương. Đối với những dự án thuộc dạng hợp đồng này, vốn ODA luôn đi kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu… khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh.
Ví dụ, khi nhận vốn phải tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu nhưng nhà thầu quốc tế đó lại là nhà thầu của chính nước tài trợ vốn chứ không phải là của nước khác được tham gia. Như vậy, vô hình trung lại trở thành chỉ định thầu cho nhà tài trợ vốn.
Hay như việc phải chấp nhận thuê chuyên gia tư vấn và phải trả công rất cao mà bản thân chuyên gia trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận được... Đó là hàng loạt những vấn đề đang tồn tại ở các dự án ODA khiến Việt Nam phải chịu thiệt", ông Cường phân tích.
Khắc phục thế nào?
Vẫn khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, tiềm lực khoa học, công nghệ còn hạn chế, nhu cầu sử dụng vốn cho đầu tư phát triển lại quá lớn thì ODA vẫn là nguồn vốn quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay muốn hạn chế những "trái đắng" từ nguồn vốn vay nước ngoài thì phải bịt cho được những kẽ hở trong sử dụng vốn vay ODA, bởi ODA không hẳn là “ngon, bổ, rẻ”, đó là những khoản nợ “vay hôm nay trả về sau".
Muốn vậy, ông Cường cho rằng việc lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA phải được thực hiện rất kỹ. Việc lựa chọn, đánh giá, thẩm định dự án phải dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính chứ không dựa trên vị trí, quy mô của dự án.
Theo ông Cường, Luật Đầu tư công (sửa đổi)tới đây được cho là sẽ hướng tới những mục tiêu như vậy. Với những thiết kế mới trong cơ chế chính sách quản lý, định hướng thu hút, sử dụng ODA phải nhằm bảo đảm yêu cầu kép là hiệu quả và khả năng trả nợ. Theo đó, nguồn vốn ODA chỉ tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia.
Đối với địa phương, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác muốn thực hiện dự án phải theo cơ chế vay lại. Việc gắn cơ chế trách nhiệm với việc vay vốn ODA, buộc các địa phương và các tổ chức kinh tế phải cân nhắc, lựa chọn, tính toán rất kỹ, có thể phải trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định, đánh giá dự án để chắc chắn dự án đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu. Tâm lý chạy theo dự án, tùy tiện, dễ dãi vay vốn chắc chắn sẽ bị hạn chế phần nào, không thể như trước đây nữa.
Bên cạnh đó, việc phân định rõ trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cho một đơn vị là Bộ Tài chính cũng buộc đơn vị này phải tự nâng cao trách nhiệm trong lựa chọn dự án và quyết định cho vay lại nếu không muốn bị liên lụy và phải chịu trách nhiệm theo.
Từ Cát Linh-Hà Đông tới cao tốc Bắc-Nam, làm sao để không bị thiệt?
Đặt thẳng vấn đề với dự án cao tốc Bắc - Nam đang được kêu gọi đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn, câu chuyện làm thế nào để Việt Nam đỡ bị thiệt chính là bài toán cần bàn tới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đầu tiên phải tăng cường vai trò chủ động của phía Việt Nam trong việc thiết kế các dự án, không để bị lệ thuộc, dẫn dắt bởi các nhà tài trợ vốn.
Đầu tiên, việc xác định mục đích thực hiện dự án cũng như lựa chọn dự án để vay vốn phải được chuẩn bị rất kỹ.
Thứ hai, nên hạn chế những hợp đồng vay vốn song phương, hướng tới đa dạng nguồn vốn, lựa chọn những dòng vốn của những quốc gia ít có những toan tính ngoài lợi ích kinh tế. Cần rút ra kinh nghiệm từ bài học của dự án Cát Linh - Hà Đông, đặc biệt là những điều khoản gây bất lợi, khiến Việt Nam luôn chịu thiệt.
Thứ ba, phải có sự chuẩn bị dự án rất kỹ. Quá trình thực hiện dự án phải bảo đảm nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng để khi tiến hành đấu thầu dự án không còn chuyện dự án bị phát sinh, điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư quá lớn. Việc này liên quan nhiều tới các hợp đồng của các cơ quan tư vấn cũng như các nhà thầu thực hiện dự án.
Thứ tư, phải gắn trách nhiệm của đơn vị được gọi là hưởng thụ dự án đó với hiệu quả khai thác dự án.
"Nếu làm được như vậy tôi tin Việt Nam sẽ nhận được nguồn vốn ODA tốt, thực sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước", đại biểu Hoàng Văn Cường chốt lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh