Dự đoán các lĩnh vực kinh doanh "lên ngôi" trong năm 2020
DNVN - Ngành hàng tiêu dùng phục vụ 100 triệu dân, du lịch, vật liệu, vận tải - logistics, nông nghiệp được giới chuyên gia dự đoán là những lĩnh vực kinh doanh sẽ "lên ngôi" trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Cần Thơ: Cao thủ nuôi ốc bươu đen sinh sản nhân tạo và thương phẩm / Gỡ nút thắt logistics cho xuất khẩu nông sản
Tại Diễn đàn Kinh tế 2020 với chủ đề "Tích lũy động lực tăng trưởng cho chu kỳ tăng trưởng mới" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 05/12 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao... sẽ mang đến những thách lớn khó lường.
Nhận định về xu hướng đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ).
Toàn cảnh diễn đàn.
Ngoài ra, tiềm năng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Còn lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI - đã đưa ra dự báo về những ngành kinh doanh sẽ "lên ngôi" trong năm tới.
Phân tích dẫn đề cho chủ đề lĩnh vực kinh doanh nào doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần lưu ý trong năm 2020, ông Hùng Linh chia sẻ, thị trường 100 triệu dân trở thành nơi đầu tư hấp dẫn với tất cả các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư Thái Lan.
Theo ông Hùng Linh, Thái Lan không chỉ tận dụng thị trường Việt Nam để họ xuất siêu mà họ còn tận dụng những cơ hội để đầu tư vào Việt Nam theo dạng M&A. Những chuỗi bán lẻ, thông tin về bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam nếu có bán thì lập tức các tỷ phú của Thái Lan sẽ nhảy vào mua như Vinamilk, Sabeco, BigC là những ví dụ điển hình.
"Khi chúng tôi tiếp xúc với nhà đầu tư từ Thái Lan sang Việt Nam đến tìm hiểu cơ hội đầu tư về cổ phiếu thì ngành họ quan tâm nhiều nhất và duy nhất là ngành tiêu dùng. Họ hỏi về những DN như Vinamilk, PNJ... điều này cho thấy tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam vô cùng lớn. Điều này là dẫn đề cho chủ đề lĩnh vực kinh doanh nào sẽ lên ngôi trong năm 2020 và thời gian tới?", Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI chia sẻ.
Với 100 triệu dân, ngành tiêu dùng được coi là thị trường vô cùng lớn và nó sẽ tạo ra bước đệm cho thị trường đủ để trưởng thành và phát triển trước khi chúng ta Việt Nam sản xuất hoặc XK ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Enternews)
"Mảng thị trường nhắm đến số đông với 100 triệu dân là vô cùng tiềm năng cần nhắm tới. Không chỉ lĩnh vực bán lẻ là những sản phẩm tiêu dùng như đường, sữa mà tôi còn nhìn thấy cơ hội kinh doanh về nghệ thuật, giải trí, giáo dục. Đó là những mảng kinh doanh mà nhu cầu ở Việt Nam rất lớn trong khi chất lượng dịch vụ và hàng hóa phục vụ nhu cầu vẫn còn nhỏ. Những chuỗi về foodchain đang mở rộng rất nhanh, những bạn trẻ rất nhanh nhậy khi họ lập các chuỗi về cà phê, và đến bây giờ thì các tiệm trà chanh mọc lên như nấm sau mưa. Đó là những cơ hội tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng đánh trúng vào phân khúc thị trường rất tiềm năng. Sau Hà Nội, các tiệm trà chanh đã xuất hiện ở các đô thị cấp 1 và sẽ dần về tới các đô thị cấp 2", ông Hùng Linh phân tích.
Lĩnh vực kinh doanh sẽ "lên ngôi" tiếp theo, theo ông Linh, là du lịch và những ngành hưởng lợi từ du lịch. Ông phân tích, nhìn vào con số tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là con số khá hấp dẫn. Tính từ đầu năm đến tháng 11/2019, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, con số này đã giảm so với năm 2017 và 2018 là bởi vì khách Trung Quốc đến Việt Nam ít đi nhưng gần đây, khách Trung Quốc đã trở lại. Cụ thể, riêng tháng 11/2019 lượng khách Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khi khách du lịch gia tăng và GDP về dịch vụ lưu trú - ăn uống thường xuyên có mức tăng trưởng cao và cao hơn GDP trung bình của cả nước, như GDP trung bình của cả nước trong 9 tháng tăng 6,98% thì GDP của lĩnh vực lưu trú và ăn uống có mức tăng xấp xỉ mức tăng GDP của cả nước. Những đô thị lớn thì du lịch phát triển rất mạnh, chẳng hạn như Nha Trang. Và bán lẻ tại những đô thị du lịch này cũng phát triển tốt.
Đây là cơ hội kinh doanh không chỉ đến với lĩnh vực du lịch, lưu trú - ăn uống, nhà hàng, khách sạn mà còn là cơ hội kinh doanh đối với các chuỗi bán lẻ.
Lĩnh vực thứ ba là vận tải và logistics. Trong thời gian gần đây là sự tăng trưởng trở lại của ngành vận tải, điều này rất khác với giai đoạn năm 2012 - 2013 khi ngành này nhạt nhòa, nhất là ngành vận tải biển. Gần đây, tăng trưởng vận tải và kho bãi cứ năm sau cao hơn năm trước và trong quý III đạt mức cao nhất so với nhiều năm trở lại đây. Điều này có được bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có tăng trưởng ổn định của XNK. Chúng ta có rất nhiều hàng hóa để XNK, nếu loại đi mặt hàng điện thoại của Samsung chủ yếu vận chuyển bằng đường hàng không, phần còn lại tăng trưởng XNK tăng trưởng khá ổn định trong những năm gần đây. Vì vậy, tạo ra lưu lượng trao đổi hàng hóa qua đường biển và các cảng biển.
"Vận tải, logistics và kho bãi Việt Nam cùng đi với thị trường 100 triệu dân, tận dụng chuỗi bán lẻ, vận chuyển hàng hóa và lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam là những điều rất đáng lưu tâm", ông Hùng Linh đánh giá.
Lĩnh vực thứ tư là xây dựng và vật liệu xây dựng. GDP ngành xây dựng và VLXD luôn cao hơn so với GDP trung bình. Trong năm 2019 và kể cả năm 2020, hai lĩnh vực này vẫn có tăng trưởng cao, thậm chí 2020 còn cao hơn năm 2019 với lý do là trong 2 năm vừa qua tốc độ giải ngân đầu tư công chậm.
"Nhưng sau 2 năm tháo gỡ những rào cản về mặt thủ tục, pháp lý, tôi dự báo giải ngân đầu tư công sẽ mạnh hơn và cùng với làn sóng đầu tư của các DN FDI, và đặc biệt là các DN tư nhân của Việt Nam. Những khoản đầu tư này cũng với hoạt động giải ngân đầu tư công sẽ tạo bước đệm nhu cầu hàng hóa đối với ngành xây dựng và VLXD", ông Hùng Linh dự báo.
Lĩnh vực thứ 5 là ngành nông nghiệp và dịch vụ hàng hóa hỗ trợ cho nông nghiệp: Năm 2019 nông nghiệp và các ngành dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tăng trưởng chậm do tác động của hiện tượng El Nino. Theo phân tích của ông Hùng Linh, thường sau 1 năm khô hạn thì lượng mưa tốt hơn, từ đó thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng, kéo theo những ngành hỗ trợ phát triển tích cực theo.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo