Thị trường

Lâm Đồng: Đất khô cằn, trồng xen canh vẫn nhanh có tiền

Bằng tính cần cù, nhẫn nại, một nông dân ở D’ran, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã làm giàu trên mảnh đất đồi khô cằn nhờ trồng xen các loại cây trồng.

Cà Mau: Đất phèn mặn trồng bưởi da xanh trái to hơn mặt người / Lào Cai: Trồng rau an toàn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Rất nhiều người ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran, Đơn Dương biết đến ông Trương Công Tâm như là một tấm gương chăm chỉ làm ăn, chịu khó làm giàu trên mảnh vườn nhà.

Vượt qua cả đoạn đường dài dẫn sâu vào khu vườn trồng hồng ăn trái theo sự chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi gặp ông Tâm khi ông đang chở những giỏ hồng vừa hái xuống bỏ mối cho đại lý.

lam dong: dat kho can, trong xen canh van nhanh co tien hinh anh 1

Ông Trương Công Tâm thu hoạch thơm trong vườn.

Ông kể với chúng tôi, ngay từ năm 1986, khi còn là chàng thanh niên 17 tuổi, ông Tâm đã bắt đầu trồng hồng trên mảnh đất của gia đình. Mảnh đất này rộng hơn 2 ha nằm trên một ngọn đồi cao, đường vào khó đi, vậy mà hơn 30 năm qua, ông vẫn cần mẫn ngày ngày lên chăm chút cho mảnh vườn. Ban đầu khu vườn này ông Tâm cho biết chỉ trồng độc nhất cây hồng.

“Ngày đó cây hồng có giá lắm, vùng D’ran này bao người trồng hồng, giờ thì hồng không còn được ưa chuộng, nhiều người chuyển sang trồng cây khác nhưng bao nhiêu năm gắn bó tôi vẫn thích cây hồng” - ông Tâm cười.

Ông Tâm cho biết, từ vườn hồng ăn trái này, mỗi năm ông bỏ mối cho đại lý hơn 10 tấn, có năm trúng vụ gần 20 tấn, trung bình mỗi năm cũng thu được chừng 70 đến 80 triệu đồng.

Nhưng vùng đất D’ran nơi ông sinh sống còn là nơi trồng thơm nổi tiếng của Đơn Dương nên từ lâu ông đã trồng xen trong vườn hồng trên 7 sào thơm, tính trung bình mỗi sào khoảng 4 nghìn gốc và cho thu hoạch quanh năm.

Chính nhờ vườn thơm, mỗi năm ông Tâm thu được trên 200 triệu đồng. “Thơm thì lúc nào bán cũng được, cứ thu lai rai. Nhất là vào mùa tết do nhu cầu thờ cúng tổ tiên của người Việt nên thơm bán cũng được giá” - ông Tâm cười.

 

Trong rẫy hồng trên đồi, gần đây ông Tâm còn thử trồng xen thêm nhiều loại cây ăn trái khác như bơ, quýt, dâu da và cả 3 sào cà phê. Với cà phê ông Tâm cho biết, trước đây có lúc giá trên 30 nghìn đồng/ký tươi thì thu nhập còn được nhưng nay giá cà phê xuống rất thấp, có lúc bán chỉ 5 nghìn đồng/ký tươi nên thu không đủ tiền phân chăm bón, sau vụ mùa này ông Tâm sẽ chặt bỏ cà phê, tái tạo lại đất để trồng bơ.

Với cây bơ, theo ông Tâm, trước đây người dân D’ran trồng bơ hạt, đó là giống bơ thường, cây cho trái nhiều nước, hạt to, giống bơ này những năm gần đây thị trường không chuộng, giá khá rẻ, chỉ chừng 7-10 nghìn đồng/ký nên hiện trong vườn ông đang ghép các loại bơ có chất lượng tốt, giá thành cao như bơ Boot, bơ 034. Hiện trong rẫy nhà ông có 60 gốc bơ đang ghép giống, dự tính 2 năm nữa có thể cho thu hoạch.

Cùng đó, trong vườn ông còn trồng 150 gốc quýt, nay đã có thu hoạch, giá quýt bán ra thị trường chừng 15 nghìn đồng/ký, đợt cao điểm trong năm như mùa tết cũng lên đến 25-30 nghìn/ký. Từ quýt, mỗi năm ông thu thêm được chừng 10-20 triệu đồng.

Tất nhiên trong nguồn thu trên ông Tâm cho biết, cũng phải chi ra từ 20-40 triệu đồng trong năm cho việc mua phân bón, mua xăng dầu. Ông Tâm vui vẻ chia sẻ rằng, hơn 20 năm qua, gia đình ông hầu như rất ít thuê mướn người làm mà tự tay vợ chồng làm hết, từ phát cỏ, bón phân, nhân giống, thu hoạch trái cây.

Rẫy nhà ôngTâmkhông cần tốn công chăm sóc nhiều vì toàn loại cây trồng lâu năm. “Như hồng thì cứ tới vụ mùa mình ra hái thôi, thơm thì lâu lâu phát cỏ cho quang, cà phê thì lâu mới tưới ít phân” - ông cười.

 

Vậy nên theo ông, vốn đầu tư ít, chủ yếu lấy công làm lãi, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng.

Ngoài 2 mẫu đất trên đồi trồng cây ăn quả, gia đình ông Tâm còn có 4 sào đất dưới thấp trồng hoa màu, ông chỉ trồng cà chua và đậu leo, 2 loại này trồng xen kẽ theo mùa. Ông dùng cà chua làm phân bón cho vụ mùa đậu leo và ngược lại, như vậy sử dụng phân hữu cơ, đất tốt, cây lại phát triển nhanh. Thỉnh thoảng ông cũng thử đổi một vài loại cây trồng khác nhưng với ông hai giống đậu leo và cà chua dễ trồng, dễ bán.

Với ông Tâm, không phải vụ mùa nào cũng trúng, cũng bội thu, có năm này năm khác, nhưng ông tâm niệm cứ lấy lãi bên rẫy trên cao để bù lỗ cho rau dưới thấp khi cần. “Mình sinh sống trong vùng không thuận lợi so với nhiều nơi trên đất Đơn Dương nhưng không sao, đất nào cây đó, cứ cố gắng hết sức” - ông Tâm tâm sự.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm