Đưa Việt Nam trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu
DNVN - "Chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới"...
FiinRatings: Thắt chặt cá nhân tham gia trái phiếu doanh nghiệp là hợp lý / Tàu Costa Serena đưa gần 3.500 du khách quốc tế đến Đà Nẵng
Thông điệp quan trọng này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trước 600 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tuyến và trực tiếp hội nghị Halal toàn quốc, chiều ngày 22/10 tại Hà Nội.
Ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển.
Với chủ đề "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam", hội nghị Halal toàn quốc là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030", có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển bền vững cho ngành Halal.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Halal toàn quốc đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng nêu bật những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc phát triển ngành Halal. Ngành này không chỉ giúp kết nối người Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu mà còn tạo ra cầu nối văn hóa, kinh tế với các quốc gia khác. Trong bối cảnh chiến tranh và xung đột diễn ra phức tạp, việc phát triển ngành Halal trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, giúp tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự hòa bình và hợp tác.
"Thị trường Halal dự báo sẽ đạt quy mô 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030, với dân số Hồi giáo ước tính sẽ đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu. Ngành công nghiệp Halal trải dài trên nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, du lịch, dệt may đến dược phẩm và mỹ phẩm. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ vào những sản phẩm nông sản và dịch vụ Halal", người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.
Chỉ ra 3 lợi thế quan trọng giúp Việt Nam có thể vươn lên trong ngành Halal, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có môi trường chính trị ổn định và kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, với quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người ở mức 4.300 USD.
Thứ hai, Việt Nam kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, đa dạng hóa và hợp tác quốc tế. Chính sách này không chỉ giúp Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo.
Thứ ba, Việt Nam sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn Halal, như thủy sản, hạt tiêu và gạo, cùng với một tiềm năng du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch Halal. Những yếu tố này tạo ra cơ hội lớn để phát triển ngành Halal và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng khẳng định, mục tiêu phát triển ngành Halal thành một trong những ngành thế mạnh của Việt Nam. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần triển khai các chiến lược cụ thể nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn Halal quốc gia. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm Halal Việt Nam ra thị trường toàn cầu.
"Chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới", Thủ tướng bày tỏ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần "3 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào".
Thủ tướng tin tưởng, Việt Nam phát triển ngành Halal chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, bền vững, hiệu quả, góp phần tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Việt Nam. Đồng thời góp phần phát triển thị trường Halal toàn cầu, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp, hài hòa, thịnh vượng giữa các quốc gia, giữa con người với con người, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững trên toàn thế giới, trong đó có ngành Halal.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo