Gần 500 doanh nghiệp tham gia kích cầu tiêu dùng năm 2020
Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản đạt 4,5 tỷ USD / Các gói giải cứu của Ngân hàng chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt được phần nhỏ khó khăn
Ngày 2/7, Sở Công thương TP.HCM phối hợp các Sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 từ nguồn kinh phí xã hội hóa và kinh phí xúc tiến thương mại năm 2020.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến; Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo, đại diện các sở, ngành và gần 500 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao tầm quan trọng của thị trường nội địa toàn quốc nói chung và TP.HCM nói riêng trong phục hồi, phát triển kinh tế sau khi kiểm soát dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh các yếu tố để thúc đẩy thành công công cuộc hồi phục, phát triển kinh tế sau dịch thông qua chương trình “kích cầu tiêu dùng 2020” bao gồm sự quan tâm, kết hợp của các tỉnh, thành phía Nam mà TP.HCM với vai trò là “đầu tàu” kinh tế trọng điểm. Việc quan tâm khai thác tối đa tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam qua việc ủng hộ hàng nội địa. Đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tổ chức sản xuất không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu.
“Thông qua Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cùng cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố”, ông Tuyến cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, do dịch bệnh Covid-19 nên những tháng đầu năm, kinh tế cả nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020, GDP quý 2-2020 chỉ tăng 0,36%, mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua. Khu vực dịch vụ và bán lẻ hàng hoá trong 6 tháng giảm tới 1,78% so với cùng kỳ 2019.
Rất nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước tham gia Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao việc TP.HCM tổ chức Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020. Sự kiện này nhằm khôi phục lại tình hình sản xuất sau dịch Covid-19, toàn hệ thống chính trị đã tập trung thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp mạnh kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng. Trong đó, tập trung mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, để thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế vừa chủ động ứng phó dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng trong thời gian tới. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương và các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương trên cả nước.
Thông qua chương trình này, Bộ Công Thương tin tưởng TP.HCM sẽ đạt được mục tiêu đặt ra trong khôi phục và thúc đẩy thị trường nội địa trong thời gian tới. Qua đó, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, giải quyết hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19; đưa các hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM trở về trạng thái bình thường.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thực hiện khuyến mãi hàng hoá. Các đơn vị tham gia được phép khuyến mãi vượt mức 50% giá trị hàng hóa, thậm chí lên tới 90% trong thời gian tham gia chương trình.
“Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, còn người tiêu dùng sẽ tìm mua được những sản phẩm có giá trị với giá bán rất ưu đãi. Đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối trực tiếp giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối, giữa đơn vị sản xuất với sản xuất, đơn vị sản xuất với xuất khẩu”, bà Trang cho hay.
Bà Cao Mỹ Hạnh, đại diện của một doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai tham gia chương trình cho biết, sự kiện là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng; là một kênh quảng bá sản phẩm tốt nhất, ít tốn chi phí nhất.
Theo bà Hạnh, sản phẩm của công ty vừa đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu, cũng như nằm trong chương trình OCOP của tỉnh.
“Chúng tôi mong muốn được đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng khắp nơi; đồng thời, tìm nhà phân phối, mở chuỗi cửa hàng thương hiệu rộng rãi, để sản phẩm tới tay người tiêu dùng gần nhất. Chúng tôi cũng mong rằng thời gian tới sẽ triển khai nhiều chương trình tương tự trong khu vực để nhiều doanh nghiệp được tham gia”, bà Hạnh cho biết.
Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 diễn ra từ 2/7 đến 5/7 tại số 19, đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM. Tại đây cũng tổ chức trưng bày, triển lãm với 500 gian hàng giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm của các doanh nghiệp TP.HCM; đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động