Gạo Việt xuất khẩu giá cao hơn 1.000 USD/tấn so với gạo Thái Lan
Hà Nội: Thu 14 tỷ đồng/năm nhờ trồng rau quả sạch / Hòa Bình: 'Đổi đời' nhờ trồng sả lấy tinh dầu
Có thể nói, chưa khi nào ngành lúa gạo lại đón nhận nhiều tin vui như thời điểm này. Chỉ vài ngày tới, những lô gạo hưởng thuế suất 0% sẽ tiếp tục lên đường đi EU với mức giá khá cao, khoảng 1.000 USD/tấn, kéo theo đó là cơ hội mỗi năm có khoảng 80.000 tấn gạo vào thị trường này.
Tháng 8 vừa qua, gạo Việt đã leo lên mức giá khoảng 490 USD/tấn, cao nhất trong gần chục năm qua. Thậm chí có thời điểm, giá gạo Việt cao hơn cả gạo của Thái Lan, đối thủ cạnh tranh của nước ta cả ở trong và ngoài nước.
Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh
Hiện giá lúa tươi bán tại ruộng ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đã tăng khá cao, từ 5.600 - 6.100 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.
Tín hiệu tích cực cũng đến với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đại diện một doanh nghiệp ở Cần Thơ cho biết, cả năm 2019 doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 70.000 tấn, thì riêng 7 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt được 50.000 tấn. Dự báo, cả năm sẽ tăng hơn 30% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu gạo tăng rất cao, khi có những hợp đồng xuất khẩu gạo thơm lên tới 900 USD/tấn.
Hạt gạo đang là một trong những sản phẩm nhận được ưu đãi thuế quan nhiều nhất từ EVFTA. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo các chuyên gia, thị trường gạo nội địa nóng lên, xuất khẩu phục hồi tốt, đặc biệt ở thị trường châu Âu, là 2 nhân tố chính kích đà tăng giá của gạo.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 7 qua, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đã đạt 1,9 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Việt đã đàm phán với đối tác để in nhãn mác, công ty Việt trên bao bì. Đây là cũng là tín hiệu tích cực để nâng cao nhận diện thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.
Gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu sau 30 năm xuất khẩu?
Việt Nam đã xuất khẩu gạo 30 năm nay, nhưng để tên thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng, kết quả chỉ là những loại gạo đặc sản, gắn với địa phương vùng miền, chứ không hề có dấu ấn của thương hiệu hay tên tuổi của một doanh nghiệp, hay một tổ chức sản xuất gạo bài bản chuyên nghiệp nào.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của loại gạo ngon nhất thế giới ST25, Việt Nam không thiếu những giống lúa để làm nên những loại gạo ngon nhất nhì thế giới. Tuy nhiên trong một thời kỳ dài, do định hướng xuất khẩu, chúng ta ưu số lượng và giá bán rẻ làm lợi thế cạnh tranh của gạo Việt.
Chính vì vậy, gạo Việt chỉ xuất khẩu dưới dạng bao lớn và đóng nhãn mác nhà nhập khẩu. Việc không có thương hiệu là điều dễ hiểu.
Những lô gạo hưởng thuế suất 0% sẽ lên đường đi EU với mức giá khá cao. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Từ trước tới giờ, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo của mình.
Thêm vào đó, chúng ta chưa có một hệ thống phân phối, nhà kho bến bãi đủ lớn để không phải phụ thuộc vào nhà buôn thế giới. Các chuyên gia cho rằng cần phải học hỏi Thái Lan về điều này.
Ngoài ra còn nguyên nhân khác là do cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp chưa chú trọng quảng bá, chưa có chiến lược bài bản, định hướng rõ ràng cho thương hiệu gạo Việt.
Giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao là tin vui. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thích hợp đưa ra chiến lược bài bản khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường, thay vì theo đuổi sản lượng như trước đây.
Đây cũng là thời điểm tốt khi Việt Nam đang có có cơ hội, nhất là khi hạt gạo đang là một trong những sản phẩm nhận được ưu đãi thuế quan nhiều nhất từ EVFTA tại thị trường châu Âu, với hơn 500 triệu dân.
Thách thức trong xây dựng thương hiệu gạo tại châu Âu
Theo khảo sát của phóng viên tại khoảng 20 siêu thị tại Brussels, gạo Việt Nam có trong một số cửa hàng châu Á, đóng bao to 20kg, do một doanh nghiệp Hà Lan nhập khẩu.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu nông sản tại Bỉ, Pháp và Thụy Điển cho biết, gạo Việt Nam rất ngon, họ mong muốn nhập khẩu gạo Việt, tuy nhiên cũng có những yếu tố làm họ nản. Thứ nhất là giá cả không ổn định, lên xuống đột ngột trong ngắn hạn, đến mùa thì rẻ mà trái mùa thì đắt, không như gạo Thái có giá bán ổn định lâu dài. Thứ hai là chất lượng gạo Việt Nam không ổn định.
Tìm hiểu nhu cầu của các nhà nhập khẩu nông sản tại châu Âu có thể là cách để biết, làm thế nào để củng cố vị thế hạt gạo Việt, xây dựng uy tín và thương hiệu trên thị trường châu Âu.
Gạo Việt Nam được công nhận là ngon và nay lại có Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu, nên giá cũng cạnh tranh hơn. Thế nhưng, gạo Việt có chinh phục được khách hàng châu Âu hay không còn tùy thuộc vào những yếu tố khác.
Một chiến dịch quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Giới thiệu một loại gạo mới lạ mà khách hàng chưa hề biết, mời ăn thử, phát tờ rơi, dù có làm ở hội chợ quốc tế cũng là khoản đầu tư lớn.
Gạo Việt Nam có tham vọng mang đi chinh phục thị trường bán lẻ châu Âu thì chất lượng rất tốt. Hiện Hiệp định Thương mại có hiệu lực, giá bán cũng hấp dẫn. Tuy nhiên, ngon và rẻ vẫn chưa đủ để tạo dựng thương hiệu.
Công ty Thanh Bình Jeune có kho lớn tại Pháp, chuyên nhập khẩu nông sản châu Á, chủ yếu là nông sản Việt Nam. Có kho lớn mới có khả năng duy trì nguồn cung liên tục cho các cửa hàng bán lẻ, nhưng có kho lớn cũng không giải quyết được vấn đề chất lượng gạo không ổn định.
"Trên thế giới ai cũng nói gạo Việt Nam chất lượng không có được đều. Có lúc khi nhận được lô đẹp, có lúc lại nhận được lô xấu. Chuyện đó không ai có thể chấp nhận được hết. Phải kiếm cách nào để chất lượng thật đều từ đầu năm tới cuối năm đó là chuyện quan trọng nhất", ông Ngô Minh Đường,Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (Pháp), cho biết.
Gạo ngon, hoặc kém ngon một chút cũng được, nhưng lô hàng sau phải giống lô hàng trước. Gạo rẻ, hoặc đắt một chút không sao, nhưng giá bán không được lên xuống quá thất thường. Ổn định tương đối về giá cả cũng là điều kiện quan trọng nếu muốn gây dựng thương hiệu.
Quảng bá thương hiệu ở nước ngoài là rất tốn kém. Quảng bá phải đi cùng một loạt yếu tố nữa mới không lãng phí. Giá chưa chắc cần phải rẻ nhất, gạo không nhất thiết phải rất ngon nhưng giá bán phải ổn định lâu dài, chất lượng phải không quá khác biệt giữa các đợt hàng, nguồn cung phải liên tục không khi nào đứt đoạn.
Ổn định và liên tục trong nhiều năm liền mới là thách thức chủ yếu trên con đường dài gây dựng thương hiệu gạo trên thị trường châu Âu.
Doanh nghiệp gạo muốn đưa thương hiệu ra thị trường phải giữ được chữ tín
Sự ổn định từ chất lương, sản lượng, tới giá cả là mấu chốt để đi đường dài. Sau 30 năm xuất khẩu gạo, gần 10 năm tái cơ cấu ngành lúa gạo, không phải là không có những doanh nghiệp Việt bắt đầu chú trọng vào phân khúc thị trường cao cấp, đưa những mặt hàng cao cấp lên kệ hàng Mỹ, hay châu Âu và quan tâm nhiều hơn tới yếu tố ổn định của sản phẩm. Sản phẩm ổn định, với doanh nghiệp, nó còn có nghĩa là đảm bảo chữ tín.
Tại thị trường lớn thế giới, khách hàng nước ngoài chỉ biết đến gạo Thái Lan, không biết đến gạo Việt Nam. Câu chuyện này không mới, nhưng lại rất thấm thía với một doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Cách đây 2 năm, công hàng đầu tiên của họ xuất sang Nga gần như cho không, vì người tiêu dùng ở đây chỉ dùng gạo Thái Lan, còn gạo Việt Nam họ không tin là ngon.
Tuy nhiên rất may sau đó, sau khi ăn thử, người tiêu dùng Nga đã dần tin dùng gạo của doanh nghiệp này và hiện nay doanh nghiệp vẫn xuất khẩu gạo đều vào Nga với chính thương hiệu của mình.
Để duy trì niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm của mình, doanh nghiệp này đã chủ động chọn chiến lược nhắm vào phân khúc cao cấp, không đua theo sản lượng.
Lần đầu tiên, giá gạo Việt Nam vượt giá gạo của Thái Lan. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp có một vùng nguyên liệu khiêm tốn khoảng 7000 ha, để dễ quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, từ đó xây dựng chuỗi giá trị khép kín của riêng họ. Vì vậy, cắt giảm các khâu trung gian nên giá bán luôn ổn định, việc chủ động kho tàng, bến bãi đảm bảo thời gian giao hàng đúng hẹn cho khách.
Theo các doanh nghiệp, chính phủ cần có chế tài đủ mạnh kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết và công bố. Vì trong hàng trăm doanh nghiệp, nếu chỉ vài doanh nghiệp làm đúng, làm tốt thì không thể tạo nên thương hiệu gạo cho Việt Nam.
Làm thương hiệu là biết chấp nhận đầu tư có chiến lược, thậm chí là đánh đổi món lợi ngắn hạn để khẳng định được chữ tín với khách hàng của mình và khi đã có được chữ tín, giá trị thương hiệu ngày càng tăng là điều tất yếu.
Một vị chuyên gia về ngành lúa gạo cho rằng: "Làm thương hiệu không phải để bán nhiều gạo hơn, mà là để bán được với giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và nông dân trồng lúa".
Đặc biệt, trong thời điểm này, Việt Nam chủ trương giảm số lượng, tăng chất lượng gạo, việc tạo dựng thương hiệu là không thể không làm. Thêm vào đó, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, họ cũng đang thực hiện các chính sách phát triển mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, nên việc đẩy mạnh thương hiệu gạo Việt Nam lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước