Sẽ bỏ cơ chế giá FIT, đấu thầu dự án năng lượng tái tạo?
ADB: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ / Trồng dưa hấu thích ứng biến đổi khí hậu
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường điện năng lượng tái tạo (NLTT) tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện NLTT cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện NLTT, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu bỏ cơ chế giá FIT với các dự án năng lượng tái tạo. |
Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện NLTT, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.
Thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện NLTT vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ông Tuấn nhấn mạnh, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, để có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
Đặc biệt, về chính sách các dự án NLTT sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện NLTT thấp nhất.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải.
Về hạ tầng truyền tải, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hiệu lực từ 1/1/2021), trong đó lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù Luật PPP quy định đầu tư lưới truyền tải, nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Điện lực. Do đó, ông Tuấn cho rằng để thực hiện đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải vẫn phải sửa nội dung của Luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, trong đó, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 55 cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền nhà nước (quản lý, vận hành) truyền tải điện. Ngoài ra, để đảm bảo về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng cần phải xác định phạm vi đầu tư lưới điện truyền tải nào được thực hiện PPP.
Đối với lưới điện truyền tải quốc gia mang tính chất "xương sống, huyết mạch" của Hệ thống điện quốc gia thì nhà nước cần thực hiện từ đầu tư đến quản lý, vận hành mới đảm bảo quá trình đầu tư và quản lý vận hành đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối... và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy của hệ thống.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong cơ cấu điện sản xuất, nhiệt điện than hiện chiếm hơn 54,2%, tương đương 88,2 tỷ kWh. Thuỷ điện gần 24% (khoảng 39 tỷ kWh), tua bin khí là 15,2%, ứng với 25 tỷ kWh.Trong khi đó, các nguồn điện từ NLTT chỉ chiếm khoảng 4,4% cơ cấu điện sản xuất, còn lại các nguồn nhiệt điện dầu, nhập khẩu và nguồn năng lượng khác... là 2,3%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo