Giảm thuế VAT tạo cú hích tăng sức mua cho thị trường
Faslink "chuyển đổi xanh" để tạo hướng đi mới trong thời trang / Làng nghề Miền Tây sẵn sàng phục vụ Tết
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với VnBusiness về đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Kích cầu tiêu dùng
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết sức mua chỉ bằng 50% so với cùng thời điểm năm ngoái. Bà Minh Tâm, Giám đốc Công ty chuyên quà Tết ở Phố Sài Đồng, quận Long Biên (Hà Nội) thông tin, năm nay đơn đặt hàng giảm một nửa so với năm ngoái. Do đó, thay vì nhập hàng ồ ạt như mọi năm, doanh nghiệp chỉ nhập với tỷ lệ khoảng 40%, số còn lại mua tại thị trường trong nước theo từng đợt để tránh rủi ro.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ giảm giá kể từ đầu tháng 2 nhờ chính sách giảm 2% thuế VAT. |
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, trong giai đoạn nước rút này, kích cầu tiêu dùng là một yếu tố rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế đang khôi phục lại sau giãn cách ở nhiều cấp độ.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để xây dựng nghị định quy định việc giảm thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất 10% xuống 8% kể từ tháng 2. “Dự thảo này có hiệu lực sẽ tạo “cú hích” cho thị trường mua bán. Bởi thuế VAT đánh vào người tiêu dùng nhưng lại mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho sản xuất trong nước. Khi bảo vệ sản xuất trong nước thì người lao động đảm bảo công ăn việc làm. Việc giảm thuế VAT thêm 2% sẽ giúp giá cả hàng hóa giảm xuống, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ tạo đà phục hồi nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Đức An cũng cho rằng, việc giảm thuế VAT có tính lan toả mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt, người tiêu dùng sẽ không mất thời gian, thủ tục để được giảm thuế mà sẽ giảm ngay khi thực hiện mua – bán hàng hoá. Điều này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, cứu nhà sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng.
"Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do COVID-19", ông Lợi nhìn nhận.
Không chỉ các chuyên gia, người tiêu dùng cũng vui mừng khi đón nhận thông tin này. Chị Thảo Anh - nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, việc giảm thuế VAT là tin rất vui với người dân dù mức giảm 2% không nhiều nhưng cũng rất tốt trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19.
Việc giảm thuế VAT sẽ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chị nhẩm tính, mỗi tháng gia đình chị chi tiêu khoảng 20 triệu đồng cho các mặt hàng thiết yếu, nếu thuế VAT giảm còn 8%, chỉ phải trả 1,6 triệu đồng tiền thuế thay vì mức 2 triệu đồng như hiện nay.
Cần giám sát chặt
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, theo dự thảo, đối tượng giảm thuế VAT lần này dù được mở rộng hơn so với chính sách áp dụng 2 tháng cuối năm 2021 nhưng mức giảm lại ít hơn. Nếu tháng 11 - 12/2021, dịch vụ vận tải, ăn uống, tour… được giảm 30% thuế VAT, tức thuế suất 10% giảm còn 7% thì sắp tới, mức thuế suất chỉ giảm 20%, từ 10% còn 8%. Vì vậy, một số ý kiến đề xuất nên giữ ổn định mức hỗ trợ 7% như trước đó để thấy được “cú hích” thật sự đối với nền kinh tế.
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững và xét về mặt lâu dài, mức giảm thuế VAT cần mạnh mẽ hơn. "Mức giảm được đề xuất là 2% đã tốt rồi nhưng chưa đủ liều, cần giảm 50% so với hiện nay, tức là từ 10% còn 5% đối với những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, những ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch...", ông Tú đề xuất.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, với nhiều hộ gia đình,số thuế được giảm chỉ là vài trăm nghìn đồng/tháng, nhưng trên tổng thể quốc gia,chính sách giảm 2% thuế VAT khiến ngân sách nhà nước có thể giảm thu lên đến vài chục nghìn tỷ đồng (dự kiến năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng). Để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp các bộ ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các Luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế...
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, để chính sách hỗ trợ này thực sự đi vào cuộc sống, “đến tay” người dùng, cơ quan quản lý cần giám sát việc giảm thuế.
Ví dụ, một hộp bánh có giá 50.000 đồng, nếu được hỗ trợ 2% thuế VAT thì giá bán chỉ còn 49.000 đồng, người tiêu dùng chỉ được giảm 1.000 đồng. Số tiền này quá ít nên nếu người bán hàng không giảm giá, người tiêu dùng cũng không cảm nhận được. Do đó, người mua vẫn không thể hưởng lợi từ chính sách thuế mà khâu phân phối ở giữa có khi được lợi. Chính vì vậy mà khâu giám sát chính sách cần thực hiện chặt chẽ cũng như xử lý nghiêm. Thực tế, rất nhiều dịch vụ trên thị trường tính thuế VAT cho khách dù khách không lấy hóa đơn. Thế nên, giám sát không tốt, không chặt thì chính sách khó đến tay người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh