Gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn khi dịch Covid-19 tái bùng phát
DNVN - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho nhận định, thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, tình hình gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn, với những mặt hàng đa dạng hơn và chủ yếu vi phạm trên môi trường online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Giá thịt heo trong nước xuống thấp, người chăn nuôi bắt đầu lỗ / Quy định về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ theo UKVFTA
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã giải đáp vấn đề báo chí quan tâm về tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021.
Theo đánh giá của ông Trần Hữu Linh, từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, những mặt hàng liên quan đến thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay… khan hiếm nên năm 2020, gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng này rất nhiều.
"Tuy nhiên, đến năm 2021, khi dịch bùng phát lần thứ 4, gian lận thương mại tương đối tinh vi hơn, mặt hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong tháng 6, qua kiểm tra, kiểm soát, Tổng cục phát hiện một số lượng các bộ kit test nhanh Covid-19 được nhập lậu vào Việt Nam", ông Trần Hữu Linh thông tin.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại cuộc họp báo.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, do nhu cầu lớn của người tiêu dùng nên một số đối tượng đã nhập lậu các bộ kit test nhanh Covid-19 từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… thông qua đường xách tay, thẩm lậu vào thị trường nội địa và bán ở trong nội địa.
Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh Covid-19 và hầu hết là không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện nay, bộ kit test nhanh Covid-19 có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép để sản xuất.
“Do vậy, đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế ”, ông Trần Hữu Linh khuyến cáo.
Đối với mặt hàng khẩu trang chống dịch, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện quảng cáo loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona đến mức được 99%. Ông Trần Hữu Linh lưu ý, người dân khi mua khẩu trang cần phải xem nguồn gốc xuất xứ và có được cấp phép đạt tiêu chuẩn hay không.
Đánh giá chung về tình hình gian lận thương mại từ đầu năm đến nay, ông Trần Hữu Linh cho biết, tình trạng gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử rất cao, chủ yếu qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như facebook và zalo. Lực lượng QLTT vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để “tấn công”, cũng như có phương án điều tra, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm. Các mặt hàng rất đa dạng, không chỉ là các thiết bị y tế mà các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ cũng đang được bán online rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng cần có những cách thức kiểm tra cũng như tự cảnh giác để thẩm tra thông tin về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa trước khi đặt mua hàng.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo