Góc nhìn chuyên gia: Căng thẳng Nga - Ukraine đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu, trong ngắn hạn chứng khoán là trò chơi tâm lý, nhà đầu tư nên hạn chế margin
Đà Nẵng: Thu hồi sữa bột trẻ em Similac, Alimentum, Ele Care của Công ty Abbott (Mỹ) / Nhà đầu tư nên phân bổ vàng trong danh mục đầu tư của mình thế nào?
Các chuyên gia khuyênnhà đầu tư nên hạn chế margin
Thị trường thăng trầm tuần qua do những diễn biến khó lường của cuộc chiến Nga - Ukraine tác động sâu sắc đến tâm lý nhà đầu tư. VN-Index lại một lần nữa gây thất vọng khi đánh mất mốc 1.500 - mốc tâm lý lớn đối với nhà đầu tư Việt Nam do tụt áp mạnh vào chiều phiên thứ 6 (ngày 25/2) xuống 1498,9 điểm. Tuy vậy, một số dòng cổ phiếu đã bứt phá mạnh mẽ hút dòng tiền lớn tuần qua đó là bán lẻ, dầu khí, than, chứng khoán…Dòng tiền đang phân hoá sâu sắc giữa các nhóm ngành, doanh nghiệp.
Vậy nhà đầu tư nên hành động thế nào trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động khó lường. Trong mục góc nhìn tuần tới lần này, chúng tôi có trao đổi với một số chuyên gia, nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường: Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment; Ông Nguyễn Duy Anh - CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1; Ông Tô Quốc Bảo – Trưởng nhóm Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Phóng viên: Tuần qua thị trường chứng khoán đã biến động mạnh trước căng thẳng từ cuộc chiến Nga - Ukraine. Theo ông, thị trường đã phản ánh hết chưa? Liệu còn rủi ro nào tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến thị trường tuần tới nữa?
Ông Phan Dũng Khánh: Trước khi chiến sự xảy ra những thông tin này cũng đã ảnh hưởng vào giá từ trước đó khi xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Bởi thế khi thật sự diễn ra thị trường gần như chỉ bị ảnh hưởng 1 phiên rồi bật lại ngay ngày hôm sau.
Điều đáng lo là chiến sự có thể mang tính thời điểm nhưng tác động về lâu dài mới là điều cần phải bận tâm. Nhiều ý kiến cho rằng nhờ cuộc chiến này mà FED và các Ngân hàng trung ương (NHTW) khác sẽ xem xét thay đổi lại chính sách tiền tệ của mình, sẽ không tăng lãi suất thậm chí quay lại nới lỏng tiền tệ hỗ trợ kinh tế từ đó sẽ một lần nữa tiếp thêm năng lượng cho thị trường tài chính. Nhưng NHTW sẽ bị mắc kẹt trong tình huống tiến thoái lưỡng nan khi mà dịch Covid-19 chưa thể kết thúc, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, giá dầu chạm mốc $100/thùng và vì cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục cao hơn trong thời gian tới sẽ gây áp lực lạm phát lớn hơn.
Bên cạnh đó 2 quốc gia Nga - Ukraine đóng vai trò khá lớn trong việc cung cấp các sản phẩm quan trọng cho thế giới, đặc biệt với lĩnh vực công nghệ. Cần lưu ý để có thể tiến lên thời đại 4.0 thì ngành này sẽ là nền tảng quan trọng. Hiện Nga chiếm tới 45% nguồn cung palladium toàn cầu và 35% palladium ở Mỹ đến từ Nga, được sử dụng chủ yếu trong sản xuất cảm biến và bộ nhớ. Còn Ukraine đang cung cấp cho Mỹ hơn 90% khí neon bán dẫn - thành phần quan trọng cho các tia laser được sử dụng trong sản xuất chip xử lý. Và trước đó từ khi cuộc chiến chưa diễn ra nhưng căng thẳng lên cao của 2 nước này đã khiến giá palladium đã tăng 52% kể từ 12/2021. Quay lại quá khứ thì khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, chi phí sản xuất đèn neon từng tăng 600% chỉ sau một đêm. Nga cũng nắm giữ lượng khai thác niken rất lớn và nếu nguồn cung bị gián đoạn hoặc giá tăng cao, pin xe điện và các thiết bị liên quan khác sẽ khan hiếm và tăng giá. Chỉ riêng ngành xe điện đã có mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là 122% vào năm ngoái.
Do đó rõ ràng cuộc chiến sẽ sớm qua đi nhưng hậu quả của nó với kinh tế sẽ còn lâu dài trong bối cảnh các NHTW trên thế giới đang đua nhau chạy đua tăng lãi suất cũng như thắt chặt tiền tệ.
Mặc dù vậy đối với thị trường tài chính và thị trường chứng khoán về ngắn hạn 1-2 tuần tới sẽ không còn bị ảnh hưởng quá trực tiếp quá nhiều từ cuộc chiến thậm chí một số ngành như năng lượng còn được hưởng lợi nhưng về lâu dài các lệnh trừng phạt, các chính sách tiền tệ, tài khóa có thể sẽ phải thay đổi sẽ có tác động phần nào đến thị trường, đặc biệt những tài sản được xếp vào nhóm kênh đầu tư an toàn như vàng sẽ hút được dòng tiền với mục đích trú ẩn, giảm rủi ro.
Ông Nguyễn Duy Anh: Trước khi có sự kiện này tôi luôn cho rằng VN-Index có khả năng cao nhất dao động quanh vùng 1.470-1.530, và thực tế chỉ số này sau khi chạm vùng hỗ trợ mạnh đã hồi phục rất nhanh. Tôi không chắc về các cú " giật rút" này có còn tiếp diễn nữa hay không vì tâm lý là thứ không có công thức trong ngắn hạn nhưng có lẽ mốc thấp nhất tuần vừa qua cũng đã phản ánh khá rõ về "mức giảm chịu đựng được" của thị trường trong ngắn hạn. Rủi ro với thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraina theo tôi là không gì ngoài yếu tố tâm lý của số đông nhà đầu tư.
Ông Tô Quốc Bảo: Thị trường chứng khoán toàn cầu đã phải trải qua một tuần giao dịch đầy biến động trước tình căng thẳng leo thang giữa Nga – Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng chung và đã giảm sâu khi áp lực bán tháo tăng cao trong phiên giao dịch ngày 25/2. Việc thị trường giảm sâu đến từ xu hướng tâm lý đám đông của các nhà đầu tư khi bị hoảng loạn cực đoan, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, tôi đánh giá thị trường Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng điều đó có thể sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường tuần tới được dự báo nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều biến động khi mà thị trường chứng khoán thế giới đã quay trở lại bật tăng mạnh sau khi các nhà đầu tư cân nhắc đánh giá lại tác động của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Tâm lý thị trường cũng trở nên lạc quan hơn sau khi có thông tin cho rằng Nga sẵn sàng cử phái đoàn tới đàm phán với Ukraine ở Belarus. Chiến tranh Nga – Ukraine được cho là cuộc chiến tranh giới hạn, sau khi đạt được một số mục tiêu, Nga sẽ ngừng bắn. Dự báo chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ bật tăng mạnh ngay trong những phiên giao dịch đầu tuần cùng với dòng tiền quay trở lại chủ động hơn.
Phóng viên: Tuần qua dòng tiền hướng đến nhóm bán lẻ, dầu khí, than…với mức tăng cao hơn so với mặt bằng thị trường. Dòng tiền tuần tới sẽ hướng vào ngành/nhóm cổ phiếu nào, thưa ông? Nhà đầu tư nên hành động thế nào?
Ông Phan Dũng Khánh: Nhóm này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi nhưng mức độ sẽ giảm phần nào khi giá dầu đã đóng cửa tuần trước dưới $100. Việc giá tăng cao cũng kích hoạt các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ và năng lượng tái tạo lên cao sẽ làm giá dầu khó có thể duy trì đà tăng mạnh trong thời gian dài.
Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể lướt sóng nhóm cổ phiếu trên nhưng nên chia danh mục ra và bổ sung những cổ phiếu phòng thủ, có yếu tố nền tảng đồng thời hạn chế tối đa việc vay mượn, margin vào lúc này. Với nhóm nhà đầu tư trung dài hạn thì đây là thời điểm cơ cấu danh mục đầu tư vào những mã có cơ bản tốt để nắm giữ dần. Tuy nhiên phương pháp nên sử dụng là bình quân giá chi phí đầu tư theo thời gian (DCA) chẳng hạn chứ không nên tất tay kể cả việc không sử dụng đòn bẩy.
Ông Nguyễn Duy Anh: Như tuần trước tôi có chia sẻ về bốn nhóm ngành có thể quan tâm tùy thời điểm trong nửa đầu 2022 là Ngân hàng tài chính, cảng biển vận tải biển, dầu khí và bán lẻ kiểu chuỗi. Tôi thật sự không đầu tư theo kiểu ngắn hạn lướt sóng, tôi chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành kiểu đầu tư giá trị và tăng trưởng nên không quá quan tâm đến các tín hiệu nhiễu ngắn hạn và thường rất ít khi thay đổi danh mục trong một quá trình dài.
Nhà đầu tư cá nhân nên hiểu về doanh nghiệp, tránh để yếu tố cảm xúc chi phối và chạy theo đám đông dẫn đến tần suất giao dịch quá cao. Tích lũy thêm hàng quanh vùng VN-Index 1.470-1.500 với tỷ trọng vừa phải là lựa chọn khá an toàn thời điểm này.
Ông Tô Quốc Bảo: Dòng tiền trong thị trường hiện nay đang bị mất phương hướng khi thiếu đi sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu lớn cùng những ý tưởng đầu tư mới. Do đó trong tuần tới nhiều khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại tìm tới nhóm cổ phiếu ngành tài chính – chứng khoán, ngân hàng cũng như các mã chứng khoán thuộc họ nhà Vin do đây là các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều trong giai đoạn vừa rồi.
Điều quan trọng các nhà đầu tư cần nhớ trong giai đoạn này đó chính là quản trị rủi ro và giữ bình tĩnh trước khi đưa ra những quyết định mới. Nên nhớ rằng "Nỗi lo sợ chiến tranh chính là một cơ hội mua vào tuyệt vời".
Phóng viên: Nhà đầu tư nước ngoài tuần qua đã trở lại bán ròng lớn sau một tuần trước đó mua ròng gần 1.500 tỷ. Chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang căng thẳng, ông nhận định thế nào về dòng tiền khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức tuần tới?
Ông Phan Dũng Khánh: Xu hướng này sẽ khó thay đổi, nhà đầu tư nước ngoài vốn có truyền thống bán ròng 2 năm qua trong ngắn hạn khi tình hình thế giới ngày càng bất ổn hơn thì việc mua ròng của họ cũng khó mà ổn định. Các nhà đầu tư tổ chức lại càng đặc biệt thận trọng hơn do đó cũng khó kỳ vọng họ có thể giải ngân mạnh, đa dạng nhưng việc tái cơ cấu đầu tư, chẳng hạn chuyển tiền sang những nhóm ngành an toàn, phòng thủ, phục vụ thiết yếu và xả bớt những nhóm rủi ro có thể sẽ là lựa chọn của họ lúc này.
Ông Nguyễn Duy Anh: Rất khó để nói về tầm nhìn tuần về vấn đề mua bán của khối ngoại. Cũng như xin nói thật đã có rất nhiều thương vụ mua cổ phần dưới vỏ bọc cho vay thế chấp cổ phiếu, và bán khi hết hạn cho vay hoặc chạm mức xử lý của khối ngoại. Nên về bản chất ngắn hạn không ai có thể tiên đoán được hết, tuy nhiên dòng tiền mua ròng sẽ được kích hoạt trong 2022 này.
Ông Tô Quốc Bảo: Việc các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng sau khi mua ròng lớn trong tuần trước đó không phải là một điều quá đáng lo ngại do trước các diễn biến bất ổn về tình hình địa chính trị trên thế giới, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang lựa chọn cho mình một chu kì đầu tư ngắn hạn hơn và điều này là phù hợp với tình hình chung của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Dòng tiền khối ngoại theo tôi dự đoán trong tuần tới sẽ thận trọng hơn khi quay trở lại tham gia vào thị trường, tuy nhiên nhiều khả năng bên mua sẽ chiếm ưu thế khi mà căng thẳng dần qua đi và các nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn trong việc đánh giá lại tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine đối với kinh tế Việt Nam.
Trong ngắn hạn chứng khoán là cuộc chơi về tâm lý
Phóng viên: Tâm lý nhà đầu tư rất quan trọng. Trong ngắn hạn chứng khoán là trò chơi tâm lý. Qua cuộc chiến Nga - Ukraine càng cho thấy tâm lý nhà đầu tư quyết định một phần kết quả. Làm sao để nhà đầu tư có một tâm lý "khoẻ mạnh" trong đầu tư, thưa ông?
Ông Phan Dũng Khánh: Tâm lý này rất dễ khiến cho nhà đầu tư mất tiền và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Tâm lý thích ăn sẵn, thích người khác dâng "3 chữ cái" mà lười suy nghĩ, phân tích rất dễ bị hút vào những đội nhóm lái tàu, room VIP nên một khi bị "bẻ lái" sẽ mất tiền ngay lập tức. Nhiều nhà đầu tư còn mang tiền ra ngoài đầu tư cho những dự án rác, đa cấp, lừa đảo ngày càng xuất hiện nhan nhản khiến họ mất sạch tiền cũng vì tâm lý trên.
Do đó nhà đầu tư cần có một "bộ lọc" bằng những đánh giá dựa trên kiến thức của mình, kiến thức đó có thể là các phương pháp như phân tích cơ bản, kĩ thuật, dòng tiền, đầu tư giá trị hay kỹ năng lướt sóng…đều tốt cả nhưng ra chiến trường có vũ khí còn hơn không có gì trong tay thậm chí áo giáp trên người cũng không thì rất nguy hiểm. Vì thế để có một tâm lý khỏe mạnh thì nhà đầu tư có thể không cần quá chuyên nghiệp nhưng có một nền tảng đầu tư cơ bản, cộng với tham gia những diễn đàn uy tín, những người tư vấn có tâm, để có những người bạn đầu tư tốt và kiểm soát lòng tham thì dù thị trường có biến động dữ dội như những ngày qua thì nhà đầu tư vẫn có thể ngủ ngon, kiếm tiền tốt được. Bởi vì chúng ta không thể kỳ vọng thị trường không có biến động nhưng chúng ta có thể tự đào tạo bản thân và xây dựng chiến lược đầu tư linh hoạt cho các thời kỳ khác nhau của thị trường. Khi đó sẽ không còn bị sự biến động của thị trường, những đội nhóm lừa đảo làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tài chính của mình.
Ông Nguyễn Duy Anh: Không gì ngoài kinh nghiệm và kiến thức và cả hai điều này đều cần thời gian cũng như trải nghiệm để rèn luyện. Số đông luôn hành động hoảng sợ hoặc hưng phấn quá đà, luôn là như vậy ở bất cứ thị trường nào và gần như số đông luôn sai. Đơn giản đừng là một phần của số đông có lẽ nhà đầu tư sẽ có kết quả tốt hơn.
Ông Tô Quốc Bảo: Tâm lý của một đám đông sẽ luôn có xu hướng dễ bị kích động và phản ứng một cách quá khích trước các tác động tới từ bên ngoài, và bởi vì vậy đứng ở góc nhìn của một nhà đầu tư cá nhân trong bất cứ một hoàn cảnh nào chúng ta phải luôn phải giữ được một cái đầu "lạnh" và tách bạch được ảnh hưởng ngắn hạn và kế hoạch dài hạn của bản thân. Nên nhớ rằng với một tâm lý bất ổn và một cái đầu "nóng" thì sẽ không đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Trong cuộc chơi tâm lý của thị trường, các con số trong danh mục tài khoản chỉ tồn tại trên giấy tờ, chỉ khi cầm tiền về trong tay đó mới đúng là giá trị thật, vì thế việc bình tĩnh mỗi khi đưa ra quyết định sẽ là yếu tố quyết định của cuộc chơi.
Xin cám ơn các ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo