Thị trường

Đà Nẵng: Thu hồi sữa bột trẻ em Similac, Alimentum, Ele Care của Công ty Abbott (Mỹ)

DNVN - Các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) tại Đà Nẵng được yêu cầu nếu phát hiện sản phẩm dinh dưỡng dạng bột cho trẻ nhỏ Similac, Alimentum, Ele Care của Abbott (Mỹ) còn trong kho hàng, bày bán, lưu hành trên thị trường thì thu hồi ngay, báo cáo về BQL An toàn thực phẩm TP hoặc Văn phòng đại diện Abbott tại Hà Nội.

Đà Nẵng: Tiếp tục tiên phong thí điểm chính sách thu hút các đoàn khách MICE trong năm 2022 / Đà Nẵng: Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn

Ngày 26/2, BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay vừa có Công văn số 181/BQLATTP-NVu (ngày 23/2/2022) gửi Phòng Y tế các quận, huyện; các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng để cảnh báo sản phẩm thực phẩm và yêu cầu thu hồi trên địa bàn TP Đà Nẵng đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng bột cho trẻ nhỏ nhãn hiệu Similac, Alimentum, Ele Care của Công ty Abbott.

Lực lượng thanh tra của BQL An toàn thực phầm TP Đà Nẵng tăng cường giám sát việc đảm bảo an toàn của các thực phẩm lưu hành trên thị trường

Lực lượng thanh tra của BQL An toàn thực phầm TP Đà Nẵng tăng cường giám sát việc đảm bảo an toàn của các thực phẩm lưu hành trên thị trường.

Theo đó, sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng bột cho trẻ nhỏ nhãn hiệu Similac, Alimentum, Ele Care của Công ty Abbott thuộc diện bị thu hồi có các thông tin như sau: Hai số đầu tiên của mã số từ 22 tới 37 và; Mã số trên bao bì chứa ký hiệu K8, SH, hoặc Z2 và; Hạn sử dụng từ 01/4/2022 trở về sau.

Về lý do thu hồi sản phẩm này, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho hay, trước đó ngày 20/2/2022, Cục An toàn thực phẩm nhận được cảnh báo từ hệ thống INFOSAN về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter Sakazakii and Salmonella Newport liên quan đến sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, MI, Mỹ.

Cho đến nay, người tiêu dùng tại Mỹ đã thông báo về bốn trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ, trong đó một trường hợp đã tử vong (không được xác nhận là do nhiễm Cronobacter). Do đó, nhà sản xuất đã bắt đầu việc thu hồi tự nguyện các sản phẩm liên quan.

BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng yêu cầu Phòng Y tế các quận, huyện phổ biến thông tin về các sản phẩm nhãn hiệu Similac, Alimentum, Ele Care như đã nêu trên đến các nhà thuốc, quầy thuốc, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng trên địa bàn để biết và không sử dụng;

Đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh TPCN, nhà thuốc, quầy thuốc theo phân cấp quản lý về việc lưu hành của các sản phẩm như đã nêu trên. Trường hợp phát hiện các sản phẩm này đang lưu hành trên thị trường thì Phòng Y tế các quận, huyện báo cáo về BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng để phối hợp xử lý.

BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở kinh doanh và sử dụng TPCN trên địa bàn TP tự kiểm tra, rà soát các sản phẩm thực phẩm hiện đang kinh doanh, sử dụng. Trường hợp phát hiện các sản phẩm như đã nêu trên còn bảo quản trong kho hàng, bày bán, lưu hành trên thị trường thì không được kinh doanh, sử dụng mà thu hồi ngay và báo cáo về BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng (Đường dây nóng: 0935.207.237); Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Hà Nội (Tầng 7, tầng 8 tháp A tòa nhà Handi Resco, số 521 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) để phối hợp xử lý theo quy định.

Cùng với đó, BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng giao Phòng Công tác Thanh tra chủ trì, các Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 1,2 phối hợp kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện nội dung Công văn 181/BQLATTP-NVu (ngày 23/2/2022) của BQL An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng như nêu trên; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm