Góp sức khẳng định thương hiệu nông sản Việt
Gạo chất lượng cao hút hàng cả xuất khẩu và thị trường nội địa / Giá vàng mất ngưỡng 1.300 USD/ounce do sức ép của đồng USD
Nhiều giống lúa mang tên OM do Viện Lúa Đbscl lai tạo đã được đăng ký bảo hộ. Trong ảnh: Đánh giá giống lúa triển vọng tại Viện Lúa ĐBSCL.
Xu thế tất yếu
Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức về bảo hộ giống cây trồng vùng ĐBSCL” vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam dần trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong đó, giống cây trồng mới có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Từ đó, đặt ra vấn đề BHGCT là hết sức cần thiết nhằm tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu, tạo ra nhiều giống cây mới có đặc tính tốt, chống chịu được với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, thỏa mãn yêu cầu từ thị trường. Ông Trần Xuân Đình, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: “Nhận thức được tầm quan trọng của BHGCT, Việt Nam đã tham gia Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng- UPOV từ năm 2006. Khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng và các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam ký kết bắt đầu phát huy hiệu lực thì vấn đề BHGCT càng có ý nghĩa đặc biệt trong việc đưa nông sản Việt ra thế giới”.
Vấn đề BHGCT hiện đang là xu thế tại nhiều quốc gia. Nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ, một quốc gia có thể mất quyền sở hữu hợp pháp đối với giống cây vốn xuất phát từ nước mình. Mặt khác, các mặt hàng nông sản không đăng ký bảo hộ thường gặp bất lợi về giá cũng như giảm sức cạnh tranh trên thị trường, chưa kể đến khả năng bị nhân giống một cách bất hợp pháp. Ông Tomochika Motomura, Chuyên gia UPOV khu vực châu Á, chia sẻ: “Câu chuyện về giống nho tên Shine Muscat của Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Đây là giống nho rất nổi tiếng tại Nhật với hương vị rất ngon và có thể ăn luôn cả vỏ. Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhật Bản đã bảo hộ cho giống nho này. Tuy nhiên, họ không đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài. Sau đó, người Trung Quốc mang giống nho này về nước và hiện đã trồng tại 24 tỉnh và khu tự trị của nước này. Khi nho của Nhật khi xuất sang thị trường Trung Quốc, họ buộc phải đưa ra các bằng chứng chứng minh được giống nho Shine Muscat xuất phát từ Nhật thì mới xuất được sang thị trường Trung Quốc. Đây là một câu chuyện có thật và là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác!”.
Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Cần Thơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
Theo ông Lê Minh Chánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC), công tác BHGCT hiệu quả sẽ khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, chọn tạo ra nhiều giống mới đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, tạo môi trường nghiên cứu tích cực, giảm lãng phí ngân sách. Đặc biệt, khi công tác BHGCT được thực thi nghiêm túc, hiệu quả không chỉ quyền lợi của tác giả được đảm bảo mà nông dân còn có điều kiện tiếp cận nhiều giống mới, chất lượng. Từ đó, nâng cao ưu thế cạnh tranh của thương hiệu; tăng giá trị văn hóa và giá trị thương hiệu nông sản Việt.
Ðưa nông sản Việt vươn xa
Vấn đề BHGCT tại nước ta bắt đầu được quan tâm từ năm 1995. Nhưng đến năm 2000, Nhà nước mới bắt đầu xây dựng khung pháp lý về BHGCT và năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên thứ 63 của UPOV. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện BHGCT có hiệu quả thông qua sự hợp tác với các quốc gia thành viên có kinh nghiệm. Ông Tomochika Motomura, Chuyên gia UPOV khu vực châu Á, cho biết: “Kể từ khi trở thành thành viên của UPOV (năm 2006), Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong công tác lai tạo giống để tăng năng suất cây trồng. Đơn cử từ năm 2006-2016, nhờ tập trung cho công tác lai tạo giống, cây lúa của Việt Nam đã tăng năng suất lên 1,7%, bắp 2,1% và khoai lang là 3,1%. Từ đó, thu nhập bình quân của nông dân năm 2016 đã tăng 24% so với năm 2006”.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác BHGCT của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập như: bộ sưu tập mẫu chuẩn (seed collection) về giống cây trồng vẫn chưa đầy đủ; hệ thống quản lý số liệu (data base) vẫn chưa có; cơ sở hạ tầng kém, thiếu cán bộ đào tạo có kinh nghiệm; thực thi quyền tác giả còn hạn chế… Chính vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ mẫu chuẩn; thu thập, đánh giá, duy trì và lưu giữ bộ sưu tập mẫu các loại cây trồng được bảo hộ. Đồng thời, xây dựng kinh phí thường xuyên cho các hoạt động liên quan đến khảo nghiệm DUS (đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống mới); chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật khảo nghiệm DUS…
Nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay trong BHGCT là vấn đề thương mại hóa tài sản trí tuệ từ các giống cây trồng mới chưa được quan tâm. Bởi các công trình nghiên cứu về giống cây trồng thường sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu làm ra các giống tốt phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân là chính. Do vậy, việc độc quyền khai thác giá trị thương mại hầu như không được tính đến. Vì vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ về BHGCT để nâng cao hiệu quả BHGCT tại Việt Nam. Ông Lê Minh Chánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty SSC,nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp cần quan tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp thông qua việc khuyến khích tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, nghiên cứu và tạo ra nhiều giống cây trồng mới. Đồng thời, nỗlực kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa, đảm bảo tuân thủ các quy trình kiểm soát chất lượng giống; kiên quyết xử lý mạnh đối với tình trạng sản xuất giống “dỏm” hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo