Hà Nam: Tăng cường liên kết để tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị
Bắc Giang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong các HTX / Lâm Đồng: HTX là kim chỉ đỏ giúp người dân giảm nghèo bền vững
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Nam có 230 HTX với 180.188 thành viên, tổng vốn là 189,463 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2019 khu vực HTX ước đạt 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân lao động thường xuyên đạt 30 triệu đồng/năm.
Kết nối nâng cao sức cạnh tranh
Cũng trong năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã nâng cao nhận thức về vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt quan tâm lồng ghép các chương trình hỗ trợ, đến công tác xúc tiến thương mại.
Đến nay từ sự hỗ trợ của Trung ương, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam đã xây dựng được 20 mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó còn tăng cuờng kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý HTX, hỗ trợ các HTX có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Quay vòng phát triển HTX do Liên minh HTX Việt Nam quản lý và đề xuất tiếp cận Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh Hà Nam.
Về tình hình kết nối, tiêu thụ sản phẩm của các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nam Lê Văn Vọng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 13 siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) chủ yếu tập trung ở Tp.Phủ Lý, huyện Duy Tiên và Lý Nhân. Qua hệ thống TTTM, chợ, các mặt hàng thiết yếu hầu hết được các thương lái thu mua, tập kết, sau đó phân phối đến các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, Hà Nam là địa phương có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), 111 làng có nghề TTCN. Các ngành nghề sản xuất đa dạng như: Làng nghề thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi; mây giang đan Ngọc Động; dệt Nha Xá; dệt Hòa Hậu; sừng Đô Hai; trống Đọi Tam, gốm Quyết Thành... được chia làm 6 nhóm chính gồm: Thủ công mỹ nghệ; dệt may; chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến gỗ; hàng sản xuất tre nứa dùng cho xây dựng; cơ khí. Hà Nam còn có các sản phẩm đặc trưng như chuối ngự Đại Hoàng, ổi lê Trác Văn, cá kho Nhân Hậu...
Với các mặt hàng đặc trưng, thời gian qua, các doanh nghiệp, HTX đã chủ động trong tổ chức và tham gia hàng trăm đợt kết nối cung - cầu, tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh do các bộ Công Thương, NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam và các sở Công Thương, NN&PTNT, Liên minh HTX các tỉnh tổ chức.
“Qua các hội nghị, hội chợ kết nối, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm của các địa phương, đã có hàng trăm đơn hàng, nhất là các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng được ký kết bao tiêu, qua đó giúp quảng bá và tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng như đối tác, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ về kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh thành, phố trong khu vực cũng như trên cả nước”, ông Lê Văn Vọng cho biết.
Ông Ngô Văn Doanh - chủ cửa hàng rau củ quả tại chợ Bầu (Tp. Phủ Lý), cho biết trong những năm qua, cửa hàng của ông tiêu thụ bình quân 12 - 18 tấn/ ngày với các sản phẩm rau thu mua của các HTX tại các địa phương trên địa bàn Hà Nam và các tỉnh, thành lân cận, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định 5,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
“Do cửa hàng hạn chế về diện tích, khó khăn cho việc nhập và sơ chế hàng hóa, tôi có mong muốn Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện cho thuê đất mở rộng mặt bằng khu chế biến, đồng thời cho phép thành lập HTX tiêu thụ sản phẩm nông sản, liên kết với các HTX sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ nông sản, qua đó tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị nông sản của các HTX và nhất là tránh được tình trạng nông sản được mùa mất giá và ngược lại”, ông Doanh mong muốn.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm HTX, doanh nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị năm 2019”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đánh giá cao kết quả đạt được của Liên minh HTX Hà Nam cũng như các HTX trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn thời gian tới chính quyền địa phương, các sở, ban ngành có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Nam cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác là các HTX, thành viên HTX, nông hộ liên doanh, liên kết để cung cấp và tiêu thụ nông sản một cách bền vững.
“Tôi đề nghị các đơn vị phân phối nghiên cứu khả năng sản xuất, cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của các đơn vị sản xuất để liên kết, tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh, từng bước liên kết với các đơn vị, HTX từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để gia tăng giá trị nông sản. Các đơn vị sản xuất, HTX đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của thành viên, người lao động trong các HTX”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Hà Nam có nhiều sản phẩm tiềm năng để tham gia chuỗi giá trị