Thị trường

Sơn La: Lãnh đạo HTX khơi dậy ý chí thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, tại tỉnh Sơn La xuất hiện các mô hình HTX kiểu mới do thế hệ 8x, 9x thành lập (khoảng trên 30 HTX do người trẻ làm lãnh đạo). Không chỉ trẻ tuổi, mà nhiều người trong số họ còn là người DTTS, sinh ra và lớn lên ở những vùng đặc biệt khó khăn….

Hòa Bình: HTX hỗ trợ người dân giảm nghèo / HTX Mường Động - Hòa Bình: Nhân tố điển hình trong khối kinh tế tập thể

Những người trẻ với nhiệt huyết, khả năng sáng tạo đã liên kết với nhau trong ngôi nhà chung HTX. Họ đã tạo thành luồng gió mới cho khu vực kinh tế hợp tác của tỉnh Sơn La, góp phần làm hồi sinh những mô hình đang rệu rã và là động lực để thúc đẩy hình thành những mô hình mới.

Lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng

Một điểm dễ nhận biết nhất tại các HTX do thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số (DTTS) thành lập là: Họ được đào tạo bài bản, có tư duy nhận thức đúng, bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế, hoạt động của HTX tác động lớn tới nhận thức, hành động của người dân địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), Là Văn Phong (SN 1993, giám đốc HTX Quỳnh Nhai Travel) là người dân tộc Thái. Phong tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tây Bắc năm 2014. Nhận thấy tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thích hợp tổ chức các tour du lịch cộng đồng, Phong cùng những người bạn trong bản: Điêu Đức Trọng, Tòng Văn Sương, Lù Văn Bình thành lập nhóm Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai vào cuối năm 2015. Năm 2016, nhóm góp vốn thành lập HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để phát triển kinh tế, làm giàu trên thế mạnh sẵn có của địa phương.

Mô hình phát triển du lịch tại lòng hồ Thủy điện Sơn La của HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai

Mô hình phát triển du lịch tại lòng hồ Thủy điện Sơn La của HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai

Hiện, HTX cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ: Thiết kế tổ chức tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; cho thuê thuyền du lịch lòng hồ, hướng dẫn viên và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Để mở tour du lịch lòng hồ, HTX liên kết với các nhà nghỉ, nhà hàng và nhà dân làm dịch vụ homestay.

Xuất phát từ ý tưởng có một sản phẩm để khách du lịch mang về làm quà, tháng 1/2017 HTX tiến hành thu mua và chế biến cá tép dầu, đây là loại cá sạch có rất nhiều ở vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. HTX thu mua của bà con, làm sạch cá, tẩm ướp gia vị đặc trưng của người Thái rồi phơi khô, đóng túi. HTX đã tiến hành phân phối và bán lẻ cá tép dầu cho nhiều tỉnh khu vực phía bắc, giá bán 200.000 nghìn đồng/1 kg.

Bên cạnh đó, HTX đang nuôi các lồng cá lăng, trắm, chép, trê với hình thức hữu cơ, đảm bảo cá sạch, an toàn, tạo nguồn thực phẩm phục vụ du khách tại các tour du lịch, làm quà cho khách...

Góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người DTTS

 

Đến bản Rừng Thông, xã Mường Bon (Mai Sơn), hỏi về HTX Nông nghiệp xanh Amo không ai là không biết. HTX do Giàng A Dạy – sinh năm 1993 người dân tộc Mông đứng ra thành lập. Ở vùng đất còn nhiều gian khó này, HTX Amo ra đời làm khơi dậy tinh thần thoát nghèo của nhiều thanh niên, người dân trong bản.

Giàng A Dạy tốt nghiệp trường Đại học Tây Bắc. Trong quá trình học tập, A Dạy có 11 tháng tu nghiệp khởi nghiệp tại Israel liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Tháng 8/2016, trở về nước, Giàng A Dạy bắt tay tiến hành trồng rau hữu cơ ở xã Mường Bon. Với mong muốn cung cấp sản phẩm không chỉ thị trường Sơn La, mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh, Dạy đã xây dựng vườn ươm các giống rau bản địa và một số giống nhập từ Israel, gieo trồng thử nghiệm trên mảnh đất 3.000m². Sản phẩm của A Dạy được thị trường đón nhận nhiệt tình.

Tháng 10/2018, Giàng A Dạy thành lập HTX Nông nghiệp xanh Amo với 42 thành viên, với vốn điều lệ 1 tỷ 900 triệu đồng; canh tác trên diện tích đất rộng 45 ha. Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh của HTX gồm: Bưởi, nhãn, xoài, chanh leo, mận hậu, na, chuối, bơ, thanh long; cây dược liệu; rau các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

HTX Nông nghiệp xanh AMO luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh Sơn La

HTX Nông nghiệp xanh AMO luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh Sơn La

 

Thay đổi lớn nhất của HTX Nông nghiệp xanh Amo chính là thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của những đoàn viên thanh niên người dân tộc, để rồi chính họ truyền lại kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi những loại cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cho gia đình, cộng đồng để cùng nhau phát triển.

Giàng A Dạy đã dần thuyết phục được những người dân trong bản tham gia sản xuất nông nghiệp sạch, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La nhận định: Những thành công bước đầu của các HTX kể trên là những minh chứng rõ nét của tinh thần trẻ, kiên trì theo đuổi mục đích, sáng tạo trong lao động, gắn kết, chia sẻ để cùng nhau đi đến thành công. Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn và các cơ quan chức năng tổ chức các hội nghị sáng lập viên để thành lập các HTX; hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tối đa để các bạn trẻ phát huy điểm mạnh của KTTT để phát triển tốt hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm