Hà Nội đặt mục tiêu có 1.000 máy bán hàng tự động vào năm 2020
DNVN - Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo số 114/BC-UBND vừa được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội trình Bộ Công Thương liên quan tới tình hình thực hiện “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn thành phố.
Hà Nội điều tra, xây dựng bảng giá đất mới / TP Hồ Chí Minh: Hàng Việt đã chiếm 72% trong hệ thống siêu thị
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội: Đến hết năm 2018, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các mục tiêu phát triển thương mại điện tử. Lĩnh vực này đã gắn chặt với hoạt động của doanh nghiệp và CNTT, ngày càng được doanh nghiệp quan tâm ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các Sở, ban, ngành của Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp, kết nối cổng dịch vụ công của Thành phố, song song với triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho các tổ chức, công dân. Đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn thành phố có 1.058 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (trong đó: 919 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Báo cáo nêu rõ: Nhằm phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh xuất khẩu, thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu, phổ biến những mô hình thương mại điện tử mới, tiên tiến; hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com, Amazon.com; Khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ nghiên cứu đầu tư vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” (không người bán, sử dụng mô hình O2O (Online 2 Online), sử dụng mã hình QR trong đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến, sử dụng logistics điện tử trong giao nhận sản phẩm, hàng hóa).
Ngoài ra, triển khai lắp đặt mạng lưới “Máy bán hàng tự động” đặt tại các điểm công cộng trên địa bàn, dự kiến năm 2020 sẽ có 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các điểm công cộng để phục vụ nhân dân. Hằng năm, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday”; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khởi nghiệp kinh doanh từ TMĐT.
Công tác quản lý thuế điện tử được đẩy mạnh. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 2.000 cá nhân đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. 148.499 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng (đạt tỷ lệ 98.02%); 138.372 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 96,9% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử của cả nước); có 597.313 giao dịch nộp thuế điện tử với tổng số thuế là 132.763 tỷ đồng; số tờ khai mắc lỗi số học, số doanh nghiệp nộp chậm hoặc không nộp tờ khai ngày càng giảm.
Du lịch trực tuyến, du lịch thông minh tiếp tục được chú trọng phát triển, Thành phố đã giao Sở Du lịch cập nhật công khai dữ liệu cơ sở kinh doanh du lịch trên cổng thông tin tại địa chỉ sodulich.hanoi.gov.vn. Các dịch vụ du lịch trực tuyến, đặt phòng, đặt tour trực tuyến đã đạt tỷ lệ cao, khách du lịch trong nước đặt phòng trực tuyến tại khách sạn và đặt tour du lịch trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%; Tỷ lệ khách sạn, cơ sở mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ đạt hơn 65%. Đã có hơn 95% các cơ sở lưu trú du lịch, điểm dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn lắp đặt và cung cấp wifi miễn phí phục vụ khách du lịch; Nhiều địa điểm công cộng như: không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố văn hóa ẩm thực Trịnh Công Sơn - Tây Hồ, Phố Sách 19/12, Sân bay quốc tế Nội Bài, trên một số tuyến xe buýt… đã được phủ sóng wifi miễn phí. Một số khu vực khác sẽ được triển khai tiếp theo như làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm…
Cũng theo báo cáo UBND TP Hà Nội, về phát triển các cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử, từ năm 2015, Thành phố chính thức đưa vào vận hành Website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ mạng http://bandomuasam.hanoi.gov.vn - là công cụ trực tuyến - bản đồ số, sử dụng nền tảng công nghệ web-base để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực… trên địa bàn.
Triển khai Chợ thương mại điện tử có tên “Chợ nhà mình” nhằm cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp an toàn, có kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, được kiểm soát bởi cơ quan chức năng và cộng đồng người tiêu dùng; Hàng hóa thương mại kinh doanh trên chợ thương mại điện tử đảm bảo từ các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, từ các mô hình sản xuất đã được chứng nhận (VietGap, HACCP,…).
Thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, cảng cạn ICD, cảng thủy, hệ thống kho hàng hóa… để phục vụ hoạt động logistics phát triển và hỗ trợ thương mại điện tử phát triển; đặc biệt chú trọng phát triển e-logistics để phục vụ cho e-commerce (TMĐT).
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Cột tin quảng cáo