Hà Nội: Hội chợ Tết vắng bóng người mua, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa sớm
DNVN - Hàng chục doanh nghiệp, đại lý tham gia Phiên chợ Xuân Tân Sửu 2021 trên tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, Hà Nội đều chung tâm trạng buồn bã, thất vọng khi phải đóng cửa gian hàng sớm hơn dự kiến. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây người dân ngại đến tham quan và mua sắm tại những nơi đông đúc.
Huawei không theo đuổi thành công 'sớm nở tối tàn' / Những quy định về thưởng Tết doanh nghiệp và người lao động cần biết
Theo quy định của Ban Tổ chức, Hội chợ Xuân Tân Sửu 2021 chính thức diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2021 nhưng các doanh nghiệp tham gia hội chợ có thể bán hàng cho đến Tết để phục vụ người dân mua sắm Tết. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đại lý có gian hàng trưng bày sản phẩm tại đây, hàng hóa trưng đầy trên kệ nhưng không có người đến mua.
Dù hôm 30-31/1/2021 là ngày cuối tuần và cũng đã cận kề ngày Tết, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hội chợ vắng vẻ, không có khách mua mà chỉ có người bán, thậm chí có gian hàng cả ngày không bán được món hàng nào.
Cảnh đìu hiu tại hội chợ tối 31/01/2021. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Thanh Hồng, chủ đại lý bán sản phẩm cho Công ty CP Nước mắm Vũ Võ, buồn bã nói: "Với mong muốn đem đến hội chợ các sản phẩm organic, 100% không dùng chất bảo quản để phục vụ bà con nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đã bỏ ra 3,5 triệu đồng tiền thuê 1 một gian hàng trưng bày nhiều thực phẩm sạch. Đây là lần đầu tiên tôi đăng ký gian hàng tại hội chợ để bán hàng. Tuy nhiên, hàng hóa trưng đầy kệ rồi nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân ngại đến chỗ đông người. Hội chợ diễn ra mấy hôm nay nhưng rất vắng khách đến thăm quan và mua sắm".
Hội chợ Tết nhưng chỉ có người bán, không có người mua. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Trong tình cảnh tương tự, bà Nghiêm Xuân Vân - người bán các mặt hàng đũa, hoa nghệ thuật, hương, đũa cùng nhiều loại sản phẩm handmade khác, cũng cho biết, doanh nghiệp của bà tham gia hội chợ từ hôm 25/01/2021 nhưng tính đến hôm qua (31/01), thu nhập cả vốn cả lãi chưa được 1 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra là 5 triệu, trong đó 3,5 triệu tiền thuê gian hàng, còn lại là chi phí đi lại.
"Tôi từng tham gia các hội chợ lớn, nhỏ trong 4 năm qua nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng như thế này. Các hội chợ khác dù ế hoặc ít thì cũng không vắng vẻ như thế này. Hội chợ này quá vắng khách và nhu cầu của khách hoàn toàn không có. Theo đó, doanh nghiệp không có cơ hội đưa sản phẩm ra giới thiệu cho khách dù sản phẩm chất lượng, thiết thực với cuộc sống của người dân trong dịp Tết cổ truyền. Thực sự các doanh nghiệp chúng tôi rất buồn vì mất công sức, thời gian và tiền bạc. Chúng tôi đành phải đóng cửa sớm hơn dự kiến. Chỉ vì Covid-19 mà thê thảm thế này", bà Vân cho biết.
Cảnh vắng vẻ khác xa với các hội chợ thường thấy. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Chị Bùi Thị Minh Hằng, Giám đốc truyền thông Công ty CP LTT Miền Xanh Thẳm cho biết: Từ những ngày đầu tháng 11, công ty đã chuẩn bị một lượng sản phẩm thiết yếu nhằm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, để phục vụ bà con nhân dân nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Công ty đã mang đến hội chợ nhiều đặc sản vùng miền đặc sắc nhất từ các tỉnh, như: Nấm hương Mẫu Sơn, Măng Giang rừng (Lạng Sơn), Mộc nhĩ rừng, Trâu sấy, Lợn sấy, Lạp xưởng,... (Lai Châu), Trà trung du (Thái Nguyên), hương dược liệu...
"Những ngày đầu tiên, hàng hoá của chúng tôi được người dân ủng hộ rất tích cực do đó chúng tôi đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh việc đưa hàng hoá ra thị trường. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng trong những ngày gần đây, người dân đi lại ít hơn khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Ngày mai, hội chợ mới kết thúc nhưng công ty đã dọn hàng từ hôm kia rồi", chị Hằng chia sẻ.
Theo chia sẻ của chị Hằng, là gian hàng bán được nhiều nhất ở hội chợ này nhưng thu còn không đủ chi.
Nhiều doanh nghiệp thu dọn hàng hóa, đóng cửa sớm hơn dự kiến. (Ảnh: Nguyệt Minh)
"Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có cả kế hoạch tham gia thêm các gian hàng hội chợ như chúng tôi. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm cũng có thêm những khó khăn nhất định về hạn sử dụng, bảo quản... đối với lượng hàng lớn và trong thời gian dài hơn dự tính. Việc hủy bỏ các hội chợ cũng là một tổn thất lớn đối với các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Chúng tôi phải đầu tư bảng biển, banner, standee,...đến việc đóng góp tổ chức hội chợ", chị Hằng cho biết.
Các DN mong muốn được hỗ trợ giảm chi phí thuê gian hàng. (Ảnh: Nguyệt Minh)
Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp tham gia hội chợ đều có chung mong muốn được Ban Tổ chức hội chợ hỗ trợ giảm chi phí thuê gian hàng để giảm bớt phần nào gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời hi vọng Nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo