Hà Nội: Phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt trên 7,5%
Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 có thể không cần mặc thứ này khi nắng nóng / Đà Nẵng: Siết chặt phong tỏa điểm nóng khu tam giác Hoàng Hòa Thám – Lê Duẩn – Lý Thái Tổ theo Chỉ thị 16/CT-TTg
6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng chưa bứt phá, GRDP ước đạt 5,91%
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra chiều ngày 24/6, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, thành phố (TP) tiếp tục bám sát, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép". Sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khởi sắc rõ nét, tuy nhiên tăng trưởng chưa bứt phá.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,91% - tuy cao hơn cùng kỳ năm 2020 (là 2,92%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (7,12%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,7% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,3%) và cùng kỳ năm 2019 (tăng 7,29%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 7,16 tỷ USD, tăng 4,5% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 (giảm 5,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân 6 tháng ước tăng 1,02 - 1,07% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,68%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,07%).
Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 124.854 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Trung ương giao (đạt 49,7% dự toán TP giao), bằng 107,1% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước đạt 31.619 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán và bằng 99,2% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm thành lập là 13.125 đơn vị, tăng 4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 74% - cao hơn mức tăng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 15%) và số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 33%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 694,26 triệu USD với 171 dự án mới và 78 dự án bổ sung vốn đầu tư; Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng (gồm 10 dự án mới và 38 dự án tăng vốn).
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại phát triển tốt, đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng và tăng giá đột biến. Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 289.000 nghìn tỷ đồng.
Du lịch tiếp tục bị tác động mạnh do đại dịch COVID-19. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) 5 tháng đầu năm đạt 101 nghìn lượt khách, giảm 85,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 1.370 nghìn lượt khách, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội: Lên phương án phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt trên 7,5%.
Phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% trong năm 2021
Theo ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, TP còn nhiều chỉ tiêu thấp, chưa đạt được kỳ vọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có ngành du lịch, văn hóa...; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và bình quân chung của cả nước; công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình còn chậm.
6 tháng cuối năm là thời gian để TP tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của cả năm 2021 dù rất khó khăn nhưng không thể không đạt được.
Để tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 (trên 7,5%), tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra vào ngày 24/6, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá, phân tích kỹ từng chỉ tiêu chưa đạt được của đơn vị trong 6 tháng qua để xác định rõ lộ trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả trong 6 tháng còn lại.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (quý I tăng 7,97%; quý II tăng 8,15%); sản xuất đồ uống, hóa chất và sản phẩm hóa chất, xe có động cơ, sản xuất trang phục, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bưu chính, viễn thông... Quản lý, điều hành ngân sách hiệu quả theo dự toán UBND Thành phố giao. Tiết kiệm chi ngân sách; thường xuyên rà soát, tập trung ngân sách cho những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu; cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tạo vốn kích thích phát triển KT-XH.
Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn, đến hết quý III đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Các sở, ban, ngành, chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch vốn. Xem xét có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn của năm 2021 từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập kế hoạch giải quyết dứt điểm công tác quyết toán đối với các dự án tồn đọng từ năm trước, không để nợ đọng kéo dài. Thúc đẩy tiến độ GPMB các dự án, ưu tiên nhóm các dự án trọng điểm. Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Duy trì các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại (phù hợp bối cảnh dịch bệnh); Đơn giản các thủ tục thông quan, hỗ trợ các hoạt động logistics để thúc đẩy xuất khẩu…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá nông sản ngày 4/1/2025: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Chủ động cung ứng đủ điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Động lực nào cho dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2025?
Giá vàng ngày 4/1/2024: Vàng thế giới giảm mạnh từ đỉnh 3 tuần, vàng trong nước ổn định
Giá ngoại tệ ngày 4/1/2025: USD giảm nhẹ, Dollar Index lùi về mốc 108
Giá heo hơi ngày 4/1/2025: Đà tăng quay trở lại trên cả ba miền