Thị trường

Hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech gây quan ngại đặc biệt

DNVN - Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm mang tên “Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam và chuyên trang ICTnews của Báo điện VietNamNet tổ chức vào sáng 20/8 tại Hà Nội.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Doanh nghiệp Việt tuyệt đối không được "bỏ trứng vào 1 rổ" / Xuất khẩu xi măng, clinker giúp mang về gần 750 triệu USD

Những năm gần đây, công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng.
Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng.
Thực trạng này đã khiến thời gian vừa qua cơ quan quản lý đã phải có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng.
Tại buổi tọa đàm, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), Giám đốc Công ty Luật VCI Legal, cho biết: Theo các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

"Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ luỵ không mong muốn như các vụ kiện đầu tư tại nước ngoài thời gian gần đây”, Luật sư Tuấn chia sẻ.
Lấy dẫn chứng cụ thể về quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech ở mức 30%, 40% và dưới 50% như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Phó Chủ tịch VAFA cho rằng, nếu giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức này sẽ rất khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc là các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia.
Phân tích cụ thể hơn, ông Tuấn cho biết: Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán dự kiến ở mức 30% (tương đương lĩnh vực ngân hàng) nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.
"Tuy nhiên, VAFI khẳng định hiện nay Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực. Vì vậy, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech", ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore nhận định, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech đặc biệt gây quan ngại.
Ông Varun Mittal chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Báo CAND)

Ông Varun Mittal chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Báo CAND)

Lý giải cho nhận định trên, ông Varun Mittal cho biết, hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các startup trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đầu tư nước ngoài còn cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI)... vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho Fintech.
Các chuyên gia và diễn giả hi vọng những nhận định trên sẽ là tiền đề để cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực Fintech sẽ có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy Fintech phát triển, đem lại nhiều thuận tiện cho người dùng cũng như phát triển một xã hội số, nền kinh tế số của Việt Nam.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm