Thị trường

Hộ chăn nuôi nhỏ lao đao vì giá thịt lợn giảm sâu

Trong thời gian qua, giá lợn hơi rớt mốc 60.000 – 65.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lo lắng vì thua lỗ.

HOSE trong ngày đầu vận hành hệ thống mới: Hơn 1 triệu lệnh được thực hiện, không bị tắc nghẽn / Kinh tế Việt Nam năm 2021: Làm gì trên ‘6 bậc thang’ còn lại?

Nguyên nhân giá thịt lợn giảm sâu chủ yếu do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát. Thực vậy, ngay khi chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) phải ngừng hoạt động do dịch bệnh, giá thịt lợn hơi đã lập tức giảm. Điều này do thị trường tiêu thụ thịt lợn hơi lớn nhất của Đồng Nai là TP.HCM đang giảm mạnh sức tiêu thụ. Không những thế, hàng loạt chợ truyền thống khác trên địa bàn TP.HCM tạm dừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã khiến điểm phân phối thịt lợn từ Đồng Nai thâm nhập vào thị trường này ít đi.

Theo các thương lái Đồng Nai kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn, nhiều người trong số họ cũng đang phải thực hiện quy định phòng chống Covid -19 nên tạm dừng cung cấp thịt lợn vào các chợ đầu mối cũng như chợ truyền thống tại TP.HCM. Đại diện Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, trước đây lượng thịt lợn cung cấp vào thị trường TP.HCM trung bình là từ 3-4 ngàn con/ngày đêm thì hiện nay giảm chỉ còn một nửa.

ho chan nuoi nho lao dao vi gia thit lon giam sau
Giá thịt lợn tại TP.HCM đang giảm sâu

Một số hộ chăn nuôi gia đình tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết chỉ trong vòng vài tuần, giá lợn hơi đã rớt 10 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá thực phẩm nuôi lợn vẫn không ngừng leo thang mà đợt tăng giá gần đây nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua.

Theo tính toán, nếu như trước đây giá lợn hơi ở mức từ 78.000 - 80.000 đồng/kg, người chăn nuôi có sẵn nguồn lợn giống sẽ lãi từ 2 - 2,5 triệu đồng/con (trọng lượng khoảng 100kg). Còn với giá bán lợn hơi ở mức từ 60.000 - 62.000 đồng/kg thì người nuôi không có sẵn nguồn lợn giống cầm chắc sẽ lỗ. Thực vậy, chi phí trung bình cho lứa lợn từ 4 - 5 tháng, đạt trọng lượng 100 kg đã từ 6,3 - 6,5 triệu đồng/con, trong khi giá bán ra chỉ được từ 6 - 6,2 triệu đồng/con/100kg.

“Các thương lái tại địa phương hầu như tạm ngưng hoạt động thu mua lợn, người chăn nuôi chúng tôi đang phải “gồng lỗ” vì không xuất chuồng được mà lại phải tiếp tục tốn tiền nuôi lợn”, một hộ chăn nuôi lợn cho biết.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, các ca nhiễm bệnh Covid-19 tại huyện Thống Nhất chủ yếu là các thương lái kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối Hóc Môn. Đội ngũ thương lái còn lại hầu hết bị cách ly vì đi về từ vùng dịch. Vì thế, hoạt động thu mua lợn tại địa phương gần như đình trệ. Đây cũng là nguyên nhân lợn rớt giá dưới giá thành sản xuất như hiện nay.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với tình hình này, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi cho các tập đoàn lớn. Tình trạng dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến người chăn nuôi lo thị trường lợn hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được.

 

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu thường chiếm 80 - 85% tổng giá thành sản xuất. Nhưng hiện nay, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Vì vậy, ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần có phương án đảm bảo nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, trong đó có phương án chuyển đổi diện tích cây trồng.

Cùng với đó, theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm độc quyền và hành động “làm giá” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Không những thế, có chuyên gia còn cho rằng cần xem xét việc đưa nhóm hàng thức ăn chăn nuôi vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá thay cho nhóm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. “Có các chính sách để giá thức ăn chăn nuôi hợp lý, hộ nuôi lợn có lời thì họ mới mạnh dạn tái đàn phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi”, vị này khẳng định.

Tuy nhiên, đó là giải pháp lâu dài. Còn trước mắt cần có biện pháp đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm