Hợp tác thương mại Việt Nam - Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng
DNVN - Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia cao cấp về kinh tế cho Chính phủ Việt Nam, thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển tương đối năng động. Tuy nhiên, con số mang lại hết sức khiêm tốn.
Mua ròng khối ngoại hạ nhiệt / Tương lai của việc làm: Trở lại văn phòng
Tại diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga - Việt" do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Liên bang Nga tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia cao cấp về kinh tế cho Chính phủ Việt Nam khẳng định, đối với Nga, Việt Nam luôn coi đây là người bạn lớn, một thị trường hết sức tiềm năng.
Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Nga - Việt đạt 4,85 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 2,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2 tỷ USD.
Đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 xuất hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chung thế giới, trong đó có quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Việt Nam. 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Nga - Việt suy giảm, chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 27,74% so với năm 2021.
"Có thể nói, thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển tương đối năng động. Tuy nhiên, con số mang lại hết sức khiêm tốn. Do vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn", chuyên gia nhận định.
Các diễn giả tham gia tọa đàm về thúc đẩy thương mại Việt Nam - Liên bang Nga.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, điện tử, may mặc, giày dép, nông - thủy - hải sản... Các mặt hàng nhập khẩu từ Nga chủ yếu là than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại. Các sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có của hai bên.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11/2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư đạt 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Liên Bang Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Liên bang Nga 16 dự án với số vốn đăng ký cho đến nay hơn 1,6 tỷ USD. Dự án quan trọng và tiềm năng nhất hiện nay là Dự án thăm dò và khai thác dầu khí 4 Lô tại Khu tự trị Nhenhetxki của Công ty liên doanh Rusvietpetro và Dự án xây dựng trang trại nuôi bò và sản xuất sữa của Tập đoàn TH dự kiến trị giá 2,7 tỷ USD, mô hình trang trại có quy mô dự kiến khoảng 6.000 con bò.
Doanh nghiệp Nga giới thiệu sản phẩm tại triển lãm trong khuôn khổ diễn đàn "Công nghiệp đối thoại doanh nghiệp Nga - Việt".
"Trong số các lĩnh vực hợp tác song phương, năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, chiến lược và hiệu quả; đem lại nguồn thu đáng kể cho cả hai nước Việt Nam và Liên bang Nga", ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga cũng đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam. Các DN dầu khí hai nước đang xem xét mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới như điện khí, điện hóa lỏng, năng lượng tái tạo.
Cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cho thấy chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam là hết sức to lớn. Đây là cơ hội lớn đối với các DN Nga.
Ngoài ra, hai bên cũng có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, hợp tác kỹ thuật quân sự và phát triển khoa học công nghệ...
Nhấn mạnh cơ hội hợp tác đối với DN hai nước, chuyên gia cho rằng, đối với các DN Nga, Việt Nam là thị trường rất lớn với gần 100 triệu dân, Việt Nam đã ký tới 16 FTA là thuận lợi, là cửa ngõ để các DN nước ngoài nói chung và DN Nga nói riêng hợp tác với DN Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Sau đó, từ Việt Nam để đưa sản phẩm ra các nước khác trên toàn thế giới.
Ngược lại, các DN Việt Nam cũng thấy rằng việc hợp tác với DN Nga sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị DN, nâng cao trình độ kỹ thuật trong sản xuất sản phẩm để sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn nữa với giá rẻ và chất lượng tốt nhất.
"Có thể nói diễn đàn là cơ hội vàng để các DN mạnh dạn khai thác, tìm hiểu tiềm năng trong nhiều khía cạnh, lĩnh vực để đưa ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ thị trường. Sự kiện là cơ hội hiệu quả để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau về chính sách thị trường, điều kiện của DN hai nước. Đồng thời tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, các hiệp hội, ngành hàng và DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, giúp quảng bá sản phẩm, công nghệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh", ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã vượt mục tiêu đề ra
Giải ngân FDI năm 2024 cao nhất từ trước đến nay
Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán đầu năm 2025
Việt Nam có thể bứt phá tăng trưởng công nghiệp vào 2025
Yếu tố nào có thể tạo áp lực lạm phát trong năm 2025?
Đà Nẵng: Cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Cột tin quảng cáo