Thị trường

HTX gồng mình vượt khó trước đại dịch

Báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại 30/63 tỉnh/thành phố, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong tổng số 5.060 HTX có 25 HTX tạm dừng hoạt động (0,5%) và 5 HTX giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh (0,09%).

Sơn La: Lãnh đạo HTX khơi dậy ý chí thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số / Sơn La: HTX Quyết Thanh khẳng định chất lượng, nâng cao môi trường

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đứng trước dịch bệnh Covid-19 hiện nay, ngành nông nghiệp là ngành tổn thương lớn nhất, bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam, hàng năm lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 22-25% kim ngạch xuất khẩu.

Điêu đứng trước đại dịch

Các HTX sản xuất, kinh doanh cần quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay
Các HTX sản xuất, kinh doanh cần quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay

Ông Trần Xuân Hoà, Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát cho biết, từ sau Tết đến nay, mọi hoạt động của HTX bị ảnh hưởng nặng nề và gần như bị đình trệ bởi virus Covid-19 được các cơ quan chức năng cảnh báo có nguy cơ bùng phát, nhất là học sinh các trường học trên cả nước được cho nghỉ học để tránh lây lan.

Những tháng trước Tết nguyên đán, dù giá cả thực phẩm có nhiều biến động, nhất là thịt lợn nhưng bình quân mỗi ngày HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát cũng tiêu thụ từ 3 đến 4 tấn rau, củ quả, thực phẩm cung ứng cho các nhà trường, các bếp ăn công nghiệp và chuỗi cửa hàng sạch để cung cấp vào các trường học, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lận cân như Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên...

“Không chỉ học sinh nghỉ học kéo theo toàn bộ bếp ăn cũng phải tạm dừng, mà hàng trăm công nhân, người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi không có việc làm. Chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch của đơn vị tại huyện Thanh Trì cũng giảm đáng kể bởi lượng khách vào mua sắm cũng hạn chế. Đến thời điểm này, lượng hàng nhập vào và bán ra của chúng tôi chỉ bằng 30% so với những tháng trước Tết. Đây thực sự là những khó khăn mà đơn vị chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi mong muốn thời tiết sớm ấm lên, dịch bệnh được ngặn chặn, đẩy lùi để hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập của người dân sớm trở lại bình thường”, ông Trần Xuân Hoà cho biết.

Các mặt hàng nông sản vẫn chờ được giải cứu
Các mặt hàng nông sản vẫn chờ được giải cứu

Không chỉ có các HTX kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng, mà các HTX nông nghiệp chuyên sản xuất rau, củ, quả, chăn nuôi cũng ảnh hưởng nặng nề. Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Với quy mô 2.600m2 trồng rau thủy canh, bình quân mỗi tháng HTX cũng sản xuất và tiêu thụ được hơn 2 tấn rau các loại mỗi tháng. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, dù giá rau tăng đáng kể, nhưng HTX cũng giảm hơn 50% sản lượng bởi thị trường tiêu thụ khó khăn”.

 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thanh long của Hợp tác xã Phước Thiên ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Diễn biến chưa mấy khả quan đang khiến cho chính quyền và người dân nơi đây đứng ngồi không yên.

Lứa thanh long đầu tiên của hộ ông Huỳnh Văn Lẹ, thành viên HTX Phước Thiên đang kỳ thu hoạch. Ông Lẹ đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm cách tiêu thụ với giá 4000 đồng/kg. Lứa thứ hai cũng sắp bán nhưng thị trường chưa có dấu hiệu sáng sủa khiến ông Lẹ cũng như nhiều hộ trồng thanh Long ở đây rất lo lắng. Ông Huỳnh Văn Lẹ cho biết: "bà con đang theo dõi diễn biến dịch bệnh và thị trường Trung Quốc có khả quan hơn không thì mới cho thanh long tiếp tục ra trái. Còn lứa nào đã lỡ rồi đành chịu".

HTX Phước Thiên hiện có 30 thành viên với tổng diện tích trên 18ha, do dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu, đơn vị thu mua đã giảm hẳn sản lượng, giá thu mua thanh long cũng giảm từ 47.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg khiến người trồng thanh long rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

Theo chính quyền địa phương, chỉ tính riêng 60 tấn thanh long thu hoạch vừa qua đã thiệt hại cho nhà nông hơn 2 tỉ đồng.

Quyết tâm không bỏ cuộc

 

Dù gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản sẽ không bỏ cuộc, mà phải quyết tâm để vượt qua thách thức này. Ông Trần Xuân Hoà cho biết: “Chúng tôi chấp nhận bù lỗ để duy trì hoạt động tối thiếu và sẽ tiếp tục bắt tay vào công việc để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh khi các cơ quan chức năng công bố hết dịch bệnh”, ông Hoà cho biết.

Ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, Cần Thơ cho rằng để giải quyết đầu ra cho HTX, ngoài thị trường Trung Quốc cần mở rộng sang các thị trường khác, khi thị trường này có sự cố thì có đầu ra ở thị trường khác, để làm sao tăng đầu ra cho bà con, tăng thu nhập ổn định là cơ sở để phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (VCA) Nguyễn Văn Thịnh cho biết, VCA đang tiến hành tổng hợp, ghi nhận ý kiến từ phía các HTX, tổ hợp tác ở mọi ngành đối với những tác động của dịch bệnh. Những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của đại dịch này đang gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng của người dân và cũng kéo theo những tác động bất lợi về kinh tế.

Để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại, theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, bên cạnh việc nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe người dân, các HTX cũng cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Vấn đề quan trọng cần thực hiện là nâng cao tinh thần cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh Covid-19 gây ra, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đứng trước dịch bệnh, ngành nông nghiệp là ngành tổn thương lớn nhất, bởi Trung Quốc là thị trường khổng lồ của nông sản Việt Nam. Hàng năm lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm 22-25% kim ngạch xuất khẩu. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD trên tổng kim ngạch 41,3 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng có kim ngạch lớn là thủy sản: 1,23 tỉ USD; nông sản: 2,429 tỉ USD; hạt điều: 590 triệu USD; cà phê: 101 triệu USD; gạo: 240 triệu USD; sắn và các sản phẩm từ sắn: 860 triệu USD...

 

Liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp với các cửa hàng, siêu thị sẽ giúp cho nông sản hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh
Liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp với các cửa hàng, siêu thị sẽ giúp cho nông sản hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với tác động đến sản lượng xuất khẩu các hoạt động thương thảo thương mại, đầu tư cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều nội dung thương thảo đã đàm phán giữa hai bên phải dừng lại. Trước tình hình này, Đảng và Nhà nước có nhiều quyết định và chỉ thị nhằm huy động các bộ ngành vào cuộc. Bộ Nông nghiệp cũng đã có những nhận định về tác động của bệnh dịch, và thị trường đối với nông sản Việt Nam.

“Dù khó khăn nhưng làm gì cũng có quy trình. Chúng ta không được hoang mang, mà phải biết biến thách thức thành thời cơ và coi đây là tiền đề tái cơ cấu một ngành nông nghiệp vững chắc. Để không bán hàng chỗ này bán chỗ khác, không bán hôm nay bán tuần sau nhưng không thiu. Như vậy, chúng ta cần phải xây dựng biện pháp tức thì cho từng ngành hàng, xúc tiến thương mại đi các nước, chế biến sâu, liên kết các chuỗi…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm